Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu nhất trí cao với chủ trương thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo không gian và động lực phát triển mới không chỉ đối với Thành phố Huế mà còn cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Đồng thời, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)
Khẳng định sự cần thiết của việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, song đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất thêm cần có cơ chế, chính sách đặc thù để TP. Huế phát triển, đặc biệt là sự hỗ trợ từ Trung ương trong giai đoạn đầu. Điều này sẽ tạo động lực để Thành phố phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đô thị di sản, góp phần đưa Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục, và khoa học công nghệ của khu vực và cả nước.
Theo nhiều đại biểu quốc hội, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có nhiều lợi thế, tiềm năng cả về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên… song thời gian qua các tiềm năng này vẫn chưa được khai thác triệt để. Việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ là cú hích quan trọng để địa phương phát triển nhanh và mạnh hơn.
Dù vậy, một số đại biểu quốc hội cũng lưu ý, sau khi TP. Huế trực thuộc Trung ương, cần có các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng, các đô thị vệ tinh.
Theo đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông), cần nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành, khu vực lân cận các điểm di tích, khu vực dọc hai bên bờ sông Hương, khu vực ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
Bên cạnh đó, cần quan tâm việc bảo vệ đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vì đây là những nhóm rừng rất đặc biệt nên cần chặt chẽ khi phải chuyển đổi mục đích sử dụng đối với loại đất này.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) lại lo lắng về nguồn lực để đầu tư phát triển. Trong đó, chú trọng có giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư;...
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đưa TP. Huế trở thành thành phố di sản và văn hóa đầu tiên của Việt Nam.
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng (có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và 6 huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Quảng Điền, Phong Điền) đồng thời sẽ thành lập thêm 2 quận, 1 thị xã, 1 huyện và 11 phường, 1 xã, 1 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Cụ thể, sẽ thành lập 2 quận là Phú Xuân, Thuận Hóa thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở điều chỉnh địa giới thành phố Huế hiện hữu. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở nguyên trạng huyện Phong Điền. Nhập huyện Nam Đông với huyện Phú Lộc để thành lập huyện Phú Lộc mới. Đồng thời, thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp xã.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển TP. Huế phải gắn liền với bảo tồn di sản cố đô và bản sắc văn hóa. Đồng thời khẳng định, việc này không chỉ nhằm xây dựng một thành phố mạnh về văn hóa, mà còn tạo động lực phát triển cho cả khu vực và quốc gia.
Bộ trưởng cũng cho biết, đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương đã được xây dựng dựa trên các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị và các quy định pháp luật, đảm bảo tính chặt chẽ và khoa học.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tán thành cao các ý kiến góp ý về việc phải có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững.
Bà Trà cho biết, sau khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, các cơ quan liên quan sẽ tham mưu để Quốc hội ban hành nghị quyết mới với những cơ chế, chính sách vượt trội hơn, toàn diện hơn để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa...
Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng. Đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng như tờ trình của Chính phủ.
T.L