Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Myeong-Hwa Song từ Đại học Hàn Quốc đã công bố một kỹ thuật cải tiến để chuyển đổi nguyên bào sợi- một loại tế bào mô liên kết thông thường - thành các tế bào cơ tim trưởng thành và có chức năng (iCM).
Theo Medical Xpress, phương pháp này dựa trên việc kết hợp yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi 4 (FGF4) với vitamin C, một cặp đôi giúp tăng tốc độ trưởng thành của tế bào và tăng cường chức năng.
Nghiên cứu “lập trình lại tế bào” của Hàn Quốc hứa hẹn tạo đột phá trong điều trị bệnh tim Minh họa AI: THU ANH
Phương pháp này đem lại triển vọng đáng kể để điều trị bệnh tim, vốn là nhóm bệnh gây tử vong hàng đầu thế giới. Tổn thương do các bệnh này gây ra đặc biệt khó phục hồi, vì tim có khả năng tự tái tạo rất thấp. Rào cản lớn nhất đối với hướng nghiên cứu là tạo ra được các tế bào mô phỏng chặt chẽ cấu trúc và chức năng của các tế bào cơ tim tự nhiên, điều mà nhóm nghiên cứu vừa tháo gỡ được bằng kích hoạt một cơ chế tế bào quan trọng gọi là con đường truyền tín hiệu JAK2–STAT3.
Trên Tạp chí y học Experimental & Molecular Medicine, các tác giả cho biết kỹ thuật này sẽ giúp sản xuất các tế bào cơ tim trưởng thành từ chính mô của bệnh nhân, nhằm mục đích sửa chữa tổn thương do đau tim hoặc các tình trạng tim mạch khác. Cách tiếp cận như thế có thể làm giảm sự phụ thuộc vào việc ghép tim và có khả năng cách mạng hóa các phương pháp điều trị cho hàng triệu bệnh nhân. Mặc dù vậy, sẽ cần thêm một số bước thử nghiệm trước khi có thể áp dụng rộng rãi kỹ thuật này trong điều trị.
Anh Thư