Theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cung cấp, tàu Vịnh Xanh 58 được Trạm đăng kiểm phương tiện thủy nội địa Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh (cũ) cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa. Chủ phương tiện là ông Đoàn Văn Trình (khu 3A, phường Hà An, thị xã Quảng Yên cũ, tỉnh Quảng Ninh). Tàu này được chứng nhận vùng hoạt động VR-SI.
Cơ quan chức năng khám nghiệm tàu Vịnh Xanh 58 sau khi trục vớt.
Tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của tàu Vịnh Xanh, tàu du lịch
Theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, tàu Vịnh Xanh 58 do Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh (cũ) cấp ngày 21/5/2015, mang số hiệu QN-7105. Tàu được đóng năm 2015 tại Quảng Yên với công dụng phục vụ du lịch trên vịnh Hạ Long, số lượng người được phép chở là 48 hành khách. Tàu làm bằng vỏ sắt, có chiều dài 24,04m, chiều rộng 6m và đáy chìm so với mực nước 1,2m, trọng tải 12 tấn.
Tại thời điểm xuất bến, tàu Vịnh Xanh 58 vẫn trong hạn đăng kiểm, ngày cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa gần nhất là 10/1/2025, hết hạn vào 4/2/2026.
Tàu Vịnh Xanh 58 là tàu du lịch vận chuyển hành khách cỡ nhỏ, sử dụng hệ thống chân vịt kết hợp động cơ phổ biến hiện nay là Diesel 4 kì, công suất 100 đến 200Hp tùy thuộc vào tải trọng, di chuyển với tốc độ trung bình 8-12 hải lý/giờ (khoảng 15-22 km/h).
Thông tin về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long tại cuộc họp báo chiều 20/7, ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 4088/QĐ-UBND ngày 24/12/2015, quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Theo quyết định này, yêu cầu đảm bảo an toàn đối với tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long cao hơn so với quy chuẩn của đăng kiểm hiện hành.
Bên cạnh đó, Quyết định 43/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định các biện pháp quản lý hoạt động của phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, cũng đưa ra 15 tiêu chí an toàn và chất lượng dịch vụ cao hơn so với tiêu chuẩn quốc gia. Vì thế, hiện nay, 100% tàu du lịch trên vịnh Hạ Long có chất lượng an toàn cao hơn quy chuẩn.
Đáng chú ý, dẫn chứng đối với tàu Vịnh Xanh 58 vừa gặp nạn, ông Minh cho biết thêm, hệ số an toàn của tàu là 2,3 (trong khi đó, mức tiêu chuẩn hiện nay là trên 1).
Điều kiện hoạt động của tàu du lịch
Để được hoạt động, tàu Vịnh Xanh 58 cũng như các tàu du lịch biển phải tuân thủ một hệ thống quy định pháp lý chặt chẽ từ đăng ký, kiểm định, tiêu chuẩn kỹ thuật đóng tàu, thiết bị an toàn, đến vận hành, cứu nạn, y tế, tổ chức thuyền viên. Các quy định này không chỉ bảo vệ hành khách mà còn đảm bảo an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển khi khai thác du lịch.
Theo quy định của pháp luật, tàu du lịch trên biển phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, tiêu tiêu chuẩn, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để đảm bảo an toàn như: Phải đăng ký, đăng kiểm theo Luật Hàng hải, tuân thủ QCVN phân cấp tàu biển; phải được trang bị các thiết bị an toàn: AIS, VHF, hệ thống chữa cháy, phân ly dầu/nước, camera giám sát, dụng cụ cứu sinh; về kĩ thuật và thiết kế phải đóng tàu theo QCVN tiêu chuẩn, hệ thống điện chống cháy, bố trí phòng chữa cháy; Cơ cấu thuyền viên phải có đủ thuyền trưởng và nhân lực trực ca, cảnh giới, phản ứng khẩn cấp; Ngoài ra phải đảm bảo điều kiện và y tế và dịch vụ hành khách như: Phòng vệ sinh, sơ cứu, phục vụ ăn uống, bảng hướng dẫn an toàn. Quá trình hoạt động phải có sự phối hợp với cảng biển, có lệnh điều động cập cảng; tuân thủ tín hiệu, tốc độ, liên lạc VHF/AIS.
Hình ảnh bên trong con tàu sau khi được trục vớt.
Tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, ngoài việc tuân thủ các quy định tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư của các bộ ngành liên quan, đơn vị kinh doanh vận tải, du lịch phải tuân thủ quy định tại Quyết định 4088 do UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 24/12/2015, quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và Quyết định số 43/2024/QĐ-UBND ngày 08/10/2024 của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, tại Quyết định 4088 nêu rõ, các điều kiện hoạt động tàu du lịch như điều kiện an toàn, kỹ thuật; điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; điều kiện về bảo vệ môi trường…
Tàu vỏ gỗ hoạt động đủ 15 (mười năm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới và tàu vỏ sắt hoạt động đủ 25 (hai năm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới không được vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Chấm dứt đóng mới tàu vỏ gỗ hoạt động phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Trang bị thiết bị định vị vệ tinh (GPS) đảm bảo hoạt động liên tục, đồng bộ theo yêu cầu kỹ thuật của hệ thống thông tin quản lý, điều hành hoạt động tàu du lịch. Trang bị thiết bị thông tin liên lạc bằng VHF đảm bảo hoạt động tốt trong bán kính 35km, liên lạc thông suốt 24/24h. Bổ sung số lượng phao áo cho trẻ em tối thiểu bằng 10% số lượng khách. Tàu đóng mới phải đóng bằng vật liệu composite, thép hoặc kim loại tương đương.
Theo quy định tại Quyết định 43, tàu tham quan đi theo tuyến hành trình du lịch được ghi trong Giấy phép rời cảng, bến và khu vực neo đậu trên Vịnh do Cảng vụ cấp theo quy định hiện hành, trường hợp thay đổi chuyển tuyến hành trình du lịch có ý kiến với Cảng vụ và Ban Quản lý Vịnh chấp thuận. Tại các cảng, bến ở điểm tham quan, khu vực neo đậu trên Vịnh, Thuyền trưởng sử dụng Giấy phép rời cảng, bến đã cấp cho tàu tại cảng, bến trong đất liền, để trình báo với Cảng vụ và làm cơ sở cấp phép cho tàu hành trình tiếp, chuyển hành trình du lịch hoặc về cảng, bến trong đất liền. Trước khi cấp phép phải kiểm tra thiết bị giám sát hành trình của tàu đảm bảo đang hoạt động bình thường.
Khi hành trình trong vùng nước cảng, bến, khu vực nhiều phương tiện hoạt động, có nguy cơ đâm va hoặc thời tiết xấu (có mưa, mù, gió lớn...): Thuyền trưởng phải trực tiếp điều khiển phương tiện, thợ máy phải có mặt trong buồng máy, thuyền viên phải cảnh giới trên boong ở các vị trí cần thiết và không được để khách đứng, ngồi, đi lại hai bên mạn, mũi, lái và boong dạo của tàu.
Khi thời tiết không bảo đảm an toàn để tiếp tục hành trình thì thuyền trưởng thông báo cho khách biết và chủ động điều động tàu vào nơi tránh trú an toàn, thông báo cho Cảng vụ về vị trí tránh trú, tình hình của thời tiết để theo dõi, phối hợp khi cần thiết; Cảng vụ căn cứ tình hình thực tế thông báo các tàu du lịch về nơi tránh trú khi thời tiết bất thường.
Trường hợp kết thúc hành trình sớm hơn so với hợp đồng phải được sự đồng ý của khách và được người đại diện cho du khách trên tàu xác nhận bằng văn bản và gửi Cảng vụ. Không bám, buộc vào phương tiện khác hoặc để phương tiện khác bám, buộc vào phương tiện mình khi đang hành trình, không neo đậu phương tiện ở những nơi không được phép neo đậu, trừ trường hợp cứu nạn, cứu hộ hoặc bất khả kháng.
Thuyền viên phải trực tại vị trí làm việc theo phân công trong suốt hành trình; thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật các hệ thống, đặc biệt hệ thống phòng cháy, chống đắm, thông tin liên lạc và đảm bảo thiết bị giám sát hành trình hoạt động thường xuyên, ổn định chất lượng. Khi mất tín hiệu giám sát hành trình, thuyền trưởng phải chủ động thông tin cho Cảng vụ vị trí của tàu để giám sát.
Khi neo đậu trong vùng nước cảng, bến và khu neo đậu, bố trí đủ số lượng thuyền viên trông coi tàu đảm bảo vận hành tàu khi có tình huống xảy ra; thường xuyên kiểm tra các hệ thống, trang thiết bị luôn ở trạng thái sẵn sàng hoạt động; chấp hành lệnh điều động của Cảng vụ trong các trường hợp khẩn cấp, khi cần thiết.
Trách nhiệm của Chủ tàu du lịch
Theo Quyết định 4088 do UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 24/12/2015, quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, chủ tàu du lịch phải có trách nhiệm ký hợp đồng neo đậu, đón trả khách, thỏa thuận sử dụng dịch vụ với chủ khai thác cảng, bến.
Lập sổ danh bạ thuyền viên, định biên đủ thuyền viên theo ca làm việc vào danh bạ khi tàu hoạt động. Đối với tàu lưu trú phải đảm bảo định biên trực ca 24/24h theo quy định. Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của thuyền viên và nhân viên phục vụ; thường xuyên kiểm tra để có biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót, vi phạm và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người được giao quyền quản lý điều hành, thuyền viên, người làm việc trên tàu trong quá trình hoạt động. Lập và chịu trách nhiệm về nội dung, tính chính xác của danh sách hành khách mỗi chuyến đi.
Thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa. Chịu trách nhiệm về hoạt động của tàu du lịch có liên quan đến hoạt động, an toàn của phương tiện, hành khách, khiếu nại của hành khách.
Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối trong mọi trường hợp cho người và phương tiện trong quá trình hoạt động. Khi có sự cố xảy ra, phải chủ động có biện pháp xử lý (cứu người, cứu phương tiện, cứu tài sản...), báo cáo ngay với các cơ quan có liên quan tham gia giải quyết; chịu toàn bộ chi phí cho việc khắc phục sự cố và bồi thường nếu lỗi do người hoặc phương tiện của mình gây ra. Ngoài ra, chủ tàu du lịch cũng phải đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, cam kết thực hiện nghiêm các quy định.
Tâm Đức