Nhắc đến các món tiềm, người ta liền hình dung ngay đến các món tiềm có xuất xứ từ xứ Trung Quốc với đậm mùi vị thuốc bắc. Nhưng món lẩu tiềm sâm khỏe (sâm đá) Kbang hoàn toàn không có mùi thuốc mà chỉ thoảng mùi sâm cùng mùi thơm đặc trưng khó lẫn của một món ăn hoàn toàn mới. “Cha đẻ” của món ăn mới này là anh Thái Mười-đầu bếp của nhà hàng Ngói Nâu (phường Hội Thương, TP. Pleiku).
Món lẩu tiềm sâm khỏe Kbang. Ảnh: Hà Duy
Sự kết hợp nguyên liệu độc đáo
Được biết, Thái Mười (SN 1988) kế thừa truyền thống làm đầu bếp từ gia đình, anh chị cũng là các đầu bếp có tiếng của các nhà hàng tại Pleiku. Anh đã có thâm niên 10 năm làm đầu bếp tại nhà hàng Ngói Nâu. Kể về sự ra đời của món lẩu tiềm sâm khỏe Kbang, anh Thái Mười cho biết: Một lần, anh được người thân tặng 1 ký sâm khỏe. Lâu nay, người ta chỉ dùng cây dược liệu này để ngâm rượu, nhưng khi nhìn bì sâm, là một đầu bếp, anh tự hỏi liệu mình có thể tạo ra món ăn từ cây này không? Suy nghĩ đó cứ quẩn quanh mãi, vậy là anh bắt đầu mày mò nghiên cứu cách đưa cây sâm khỏe vào món ăn. Trong suốt hơn 3 tháng ròng rã nghiên cứu với hàng trăm lần chế biến và thay đổi thành phần nguyên liệu, cuối cùng, món lẩu tiềm sâm khỏe đã ra đời.
Đôi mắt anh Thái Mười sáng rực khi giới thiệu về món lẩu tiềm sâm khỏe mà anh phải hàng trăm lần thử nghiệm mới thành công. Ảnh: Hà Duy
“Tôi đã kết hợp giữa cách nấu thuốc Nam của ông bà xưa, đó là sao vàng sâm khỏe, sau đó ninh chung với nước dùng hầm xương, cộng thêm một số gia vị để tạo nên món ăn này. Các nguyên liệu cho vào nồi lẩu cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng, cơ bản gồm có: sâm khỏe Kbang, ngọc dương, bào ngư, chim bồ câu (có thể thay bằng gà), chân dê, óc dê... Rau thì tần ô và nấm là phù hợp nhất. Ngay cả đồ chấm tôi cũng nghiên cứu rất nhiều lần, thử đủ loại nước chấm, muối chấm. Và, cuối cùng tôi nhận thấy, loại phù hợp nhất lại đơn giản nhất, đó là muối ớt xanh”-anh Mười cho hay.
Cây sâm khỏe được cắt ngắn và sao vàng trên lửa lớn. Ảnh: Hà Duy
Là một người thường xuyên đi du lịch và có niềm đam mê với ẩm thực nên đã thưởng thức nhiều món ăn đặc sản của các địa phương, song món lẩu tiềm sâm khỏe cũng gây ấn tượng khá mạnh với anh Lê Hoài Nam (tổ dân phố 8, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku).
Anh Nam chia sẻ: “Mùi vị của món ăn này rất đậm đà, tuy làm từ dược liệu nhưng rất dễ ăn. Cách ăn món này cũng có chút khác với các món lẩu khác. Đầu tiên, sẽ cho óc dê, chim, nấm vào trước để có thể thưởng thức trọn vẹn vị nguyên chất của nước tiềm sâm khỏe. Sau đó mới cho thêm các nguyên liệu còn vào để tiếp tục thưởng thức một hương vị độc đáo khác. Món ăn khiến tôi cảm nhận được mùi vị của sự... phóng khoáng, sự kết hợp độc đáo của chim bay trên trời, dê trên mặt đất và bào ngư dưới biển, rất ngon, lại rất... Tây Nguyên”.
Lẩu tiềm sâm khỏe Kbang là món ngon có thể dùng làm món ăn chính. Ảnh: Hà Duy
Không chỉ ngon mà món lẩu tiềm sâm khỏe Kbang còn rất bổ dưỡng. Theo anh Thái Mười, món ăn này 100% dùng sâm khỏe của huyện Kbang. Khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt của vùng đất này đã làm nên cái quý của sâm khỏe Kbang với lượng saponin lên đến 38 loại.
Saponin là một dưỡng chất “đặc trưng” của nhân sâm; saponin càng nhiều, hàm lượng càng cao thì nhân sâm càng quý, càng chất lượng. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, saponin trong sâm mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe con người, như giảm lượng cholesterol trong máu, chống ung thư, giúp xương thêm chắc khỏe và tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể.
Khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt của vùng đất Kbang đã làm nên cái quý của sâm khỏe với lượng saponin lên đến 38 loại. Ảnh: Hà Duy
Hiện nay, sâm Ngọc Linh là loại dược liệu có hàm lượng saponin cao nhất thế giới với 52 loại saponin; sâm Triều Tiên cũng chỉ có 26 loại saponin; sâm Trung Quốc là 23 loại saponin.
Món ăn đặc sản-tại sao không?
Để sáng tạo ra một món ăn ngon, sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng của đầu bếp là yếu tố cần, nhưng yếu tố đủ, không thể thiếu, đó chính là sự hậu thuẫn của chủ nhà hàng. Anh Lê Xuân Hòa-chủ nhà hàng Ngói Nâu-một người luôn đau đáu với mảng ẩm thực trong “bức tranh” du lịch Gia Lai-đã không ngừng khuyến khích các đầu bếp của mình sáng tạo nên những món ăn mới mang đặc trưng của Tây Nguyên nói chung, của Gia Lai nói riêng.
Nước cốt lẩu được làm từ nước hầm xương và cây sâm khỏe Kbang cho vị ngọt đậm đà, bổ dưỡng. Ảnh: Hà Duy
“Làm du lịch, ngoài điểm đến hấp dẫn thì món ăn cũng là yếu tố để níu chân du khách. Lúc này, mỗi món ăn không còn đơn thuần là món ăn nữa, mà món ăn sẽ mang sứ mệnh quảng bá du lịch, giữ chân khách du lịch cũng như mời chào khách du lịch quay lại. Mỗi món ăn sẽ góp phần tạo nên cá tính ẩm thực địa phương. Đó là lý do mà tôi luôn tạo cơ hội cho các đầu bếp nghiên cứu để tạo ra những món ăn mới. Với món lẩu tiềm sâm khỏe Kbang, chúng tôi rất tự hào khi đã tạo ra được một món ăn không chỉ ngon, bổ dưỡng mà còn góp phần quảng bá về cây dược liệu quý của Gia Lai, tạo nên món ăn đặc trưng của riêng Gia Lai”-anh Hòa bày tỏ.
Nhắc đến các món ngon ở Gia Lai, người ta thường nhắc đến phở 2 tô, bún cua “thúi” hay cơm lam gà nướng... Tuy nhiên, phở 2 tô hay bún cua “thúi” chỉ là món ăn sáng hoặc ăn xế, không phải là món ăn chính, còn cơm lam gà nướng không phải đặc trưng của Gia Lai, bởi nhiều tỉnh khác cũng có món ăn này. Để tạo nên cá tính ẩm thực địa phương, Gia Lai cần có những món ăn có tính bản địa sâu sắc, dựa trên sản vật của địa phương.
Nguyên liệu phong phú để làm nên nồi lẩu tiềm sâm khỏe Kbang đậm vị. Ảnh: Hà Duy
“Lẩu tiềm sâm khỏe Kbang là một món ăn có thể phát triển thành món ăn đặc sản, bởi cây sâm khỏe là sản vật trời cho vùng đất này, không nơi nào có được. Nếu món ăn này được quảng bá rộng rãi, đồng thời, các quán khác cũng tập trung phát triển món ăn này thì không chỉ tạo thêm một món ăn đặc trưng nữa cho Gia Lai mà còn giúp bà con đồng bào vùng Kbang có đầu ra khi trồng cây sâm khỏe, giúp cải thiện cuộc sống. Chưa kể, đây còn là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư đến phát triển cây dược liệu nói chung, cây sâm khỏe nói riêng tại Kbang”-anh Hòa nhận định thêm.
Được biết, hiện Kbang có gần 124.000 ha diện tích rừng tự nhiên, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vô cùng thuận lợi để phát triển hàng trăm loại dược liệu quý hiếm, như: sâm khỏe, nấm linh chi, nấm cổ cò, lan kim tuyến, sa nhân...
Tác giả được đầu bếp Thái Mười giới thiệu về món ăn mới được sáng tạo ra. Ảnh: H.D
Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XV) về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cũng đặt mục tiêu quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trong tự nhiên; hình thành các vùng dược liệu gắn với cơ sở chế biến tại địa phương. Đây chính là điều kiện để cây sâm khỏe-sản vật đặc hữu của Kbang tiếp tục phát triển, trong đó, một phần sẽ “góp mặt” tạo nên những món ăn độc đáo mang phong vị Gia Lai.
HÀ DUY