Năm nay, tôi đã lên kế hoạch rất kỹ lưỡng cho chuyến về quê ăn Tết cùng gia đình. Mọi thứ đã được chuẩn bị sớm, từ vé xe đến lịch trình, thậm chí tôi còn dự định dành nhiều thời gian để thăm bà con, bạn bè sau một năm làm việc vất vả.
Nhưng chỉ một ngày trước khi xuất phát, vợ tôi bất ngờ đưa ra một lý do khiến tôi phải đứng hình: “Quê anh rét mướt, em không về đâu!”. Vợ còn giơ điện thoại, mở cho tôi xem tin dự báo thời tiết, miền Bắc dịp Tết Nguyên đán có mưa rét vì đón đợt không khí lạnh mạnh. Vợ nói cô ấy không chịu được kiểu rét nhói buốt của quê tôi, nó làm cô ấy bị ốm sụt sùi không khỏi.
Ban đầu tôi chỉ nghĩ vợ mình đang đùa. Ai lại có lý do rét mướt để không về quê ăn Tết? Nhưng sau một lúc, nhìn vẻ mặt nghiêm túc của cô ấy, tôi nhận ra, đó không phải là một câu đùa.
Mỗi năm, tôi đều mong chờ những khoảnh khắc đầm ấm bên gia đình, thưởng thức những món ăn Tết đặc trưng của quê hương và chia sẻ niềm vui cùng những người thân yêu. Nhưng năm nay, có vẻ như mọi thứ sẽ không diễn ra như dự định.
Tuy vợ nói lý do là thời tiết miền Bắc quá rét, sợ sẽ bị cảm lạnh, mệt mỏi, nhưng sau một lúc suy nghĩ, tôi nhận ra có thể đây chỉ là một cái cớ để cô ấy tránh những chuyến về quê chồng. Từ lâu rồi, tôi nhận thấy vợ luôn tìm cách né tránh việc ăn Tết nhà nội.
(Hình minh họa)
Tôi thầm nhận ra lý do sâu xa hơn mà vợ không muốn nói ra: Cô ấy sợ những lễ nghi, phong tục trong gia đình chồng.
Vợ tôi là người miền Nam, nơi mà ngày Tết không có nhiều lễ nghi phức tạp như ở miền Bắc. Những buổi cúng bái, thăm hỏi bà con, các nghi thức truyền thống của gia đình chồng luôn khiến cô ấy cảm thấy không thoải mái. Mỗi năm về quê, tôi nhận thấy cô ấy luôn ngượng ngùng, khó hòa đồng khi phải tham gia những hoạt động đó. Vì không quen, cô ấy hành xử hoặc nói năng không được như mong đợi của người quê tôi nên đôi khi phải nghe những lời trách móc bóng gió, điều đó làm vợ cảm thấy tổn thương và khó chịu.
Vợ không nói ra, nhưng tôi hiểu rằng những nghi thức trong gia đình tôi, dù chỉ là những buổi cúng Tết, hay việc phải gặp mặt, thăm hỏi những người trong họ hàng mà vợ không quen biết, luôn làm cô ấy cảm thấy ngột ngạt. Những nghi thức đòi hỏi sự tham gia đầy đủ con cháu đó có vẻ như thành gánh nặng đối với vợ tôi, người không quen thuộc với những phong tục tập quán quê chồng.
Và rồi, trời rét trở thành một cái cớ để cô ấy không phải đối mặt với những điều mà mình không thích.
Tôi không trách vợ vì hiểu rằng không phải ai cũng có thể dễ dàng hòa nhập với phong tục của một vùng đất mà mình rất ít khi đến, nhất là vùng đất có sự khác biệt lớn về văn hóa. Nhưng tôi vẫn rất buồn, vì Tết là dịp hiếm hoi để gia đình tôi quây quần, để tôi có thể giới thiệu vợ với những người quen, để cả gia đình cùng nhau trải qua những khoảnh khắc sum vầy.
Dù cố gắng, cuối cùng tôi vẫn không thuyết phục được vợ. Cô ấy nhất quyết ở lại TP.HCM, một mình tôi về quê. Thôi thì đành chấp nhận, vì tôi biết mình phải tôn trọng quyết định và cảm xúc của vợ. Dù vậy, tôi vẫn không thể không cảm thấy thất vọng, cảm thấy vợ hơi ích kỷ, mỗi năm chỉ vài ngày mà vẫn không thể chấp nhận vì chồng và nhà chồng.
Thế Cao