Các em học sinh Trường Mầm non BonBee hào hứng tham gia hoạt động trải nghiệm tại Lữ đoàn Pháo binh 382 (Quân khu 1).
Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo), cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT ngày 30/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đã ban hành các kế hoạch cụ thể theo từng năm học và chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục mầm non nghiêm túc thực hiện. Việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm không chỉ là một nhiệm vụ chuyên môn, mà còn được coi là định hướng cốt lõi trong chiến lược phát triển giáo dục mầm non của tỉnh.
Nhằm cụ thể hóa nội dung của Chuyên đề, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đến phụ huynh và cộng đồng. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cả thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kỹ năng xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em mầm non.
Học sinh mầm non trên địa bàn tỉnh được rèn luyện kỹ năng tự lập.
Một trong những thành quả nổi bật của Chuyên đề là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu được chú trọng. Môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học được cải tạo theo hướng mở, thân thiện, an toàn, kích thích sự tìm tòi, khám phá của trẻ. Các trường mầm non đã linh hoạt tận dụng không gian, nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương để thiết kế góc chơi, góc trải nghiệm phù hợp với độ tuổi và nhu cầu của trẻ.
Đặc biệt, Chuyên đề đã góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong việc tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo viên từ người “cầm tay chỉ việc” sang người hỗ trợ, quan sát, hướng dẫn để trẻ chủ động khám phá và học hỏi.
Kế hoạch giáo dục được xây dựng linh hoạt, dựa trên nhu cầu, hứng thú và khả năng của từng trẻ. Trẻ em được khuyến khích thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, hợp tác và giải quyết vấn đề một cách tự nhiên.
Trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn 55 xã, phường thuộc tỉnh Thái Nguyên (cũ) có 226/226 trường mầm non tham gia thực hiện chuyên đề, trong đó có 187 trường thực hiện điểm, 39 trường thực hiện đại trà; 100% cán bộ quản lý, giáo viên đều được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Một điểm nhấn quan trọng là việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy. Việc số hóa giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tạo điều kiện để phụ huynh theo dõi quá trình học tập, phát triển của con em mình.
Nhiều mô hình giáo dục sáng tạo đã được triển khai và nhân rộng như “Thư viện thân thiện”, “Vườn cổ tích”, “Ngôi nhà khoa học nhí”, “Không gian mở cho trẻ sáng tạo”, “Lấy trẻ làm trung tâm với vật liệu tái chế”.
Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động ngoài trời, hoạt động theo dự án được tổ chức ngày càng phong phú, phù hợp với điều kiện địa phương. Những sáng kiến này không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn tận dụng tối đa nguồn lực tại chỗ, mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững.
Học sinh Trường Mầm non Hoa Hướng Dương tham gia thi vẽ tranh với chủ đề "Tết và mùa Xuân" do Nhà trường tổ chức.
Nhờ những nỗ lực và giải pháp đồng bộ, 100% trẻ được đảm bảo an toàn khi đến trường, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ phát triển đạt yêu cầu theo độ tuổi hằng năm đạt trên 99%. Trẻ hứng thú hơn khi đến lớp, thể hiện sự tiến bộ rõ rệt về nhận thức, khả năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, giải quyết vấn đề và phát triển cảm xúc tích cực.
Trẻ mạnh dạn, tự tin, biết hợp tác, chia sẻ và thể hiện chính kiến trong các hoạt động học tập, vui chơi. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc lấy trẻ làm trung tâm trong giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng ngày càng được củng cố. Phụ huynh tham gia nhiều hơn vào các hoạt động giáo dục như làm đồ dùng đồ chơi, trang trí lớp học, tổ chức lễ hội truyền thống, các hoạt động trải nghiệm cùng con. Từ đó tạo ra môi trường giáo dục tích cực, gần gũi, giúp trẻ được phát triển trong sự đồng hành của cả gia đình và nhà trường.
Những kết quả đạt được là cơ sở để tỉnh tiếp tục triển khai mô hình “lấy trẻ làm trung tâm” tại 100% trường mầm non thuộc 92 xã, phường sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Thảo Nguyên