Tay biến dạng sau 7 năm tai nạn
Cách đây 7 năm, sau một tai nạn, bệnh nhân nữ, 43 tuổi, trú tại xã Minh Thắng, Cẩm Khê, Phú Thọ bị gãy xương cánh tay phải, được phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít và mang theo phương tiện kết hợp xương kể từ ngày đó.
Năm 2023, bệnh nhân tiếp tục bị chấn thương vùng cánh tay phải nhưng không đi khám lại. Trong quá trình lao động và sinh hoạt hàng ngày, cánh tay phải dần bị biến dạng, gần đây vận động hạn chế và có cử động bất thường nên đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê khám.
Sau khi thực hiện các cận lâm sàng, bác sĩ kết luận khớp giả xương cánh tay phải/Còn phương tiện kết hợp xương, chỉ định phẫu thuật ghép xương điều trị khớp giả.
Ngày 18/5, với sự đồng thuận của người bệnh và gia đình, ca phẫu thuật được tiến hành, các bác sĩ tháo bỏ phương tiện kết hợp xương cũ, nạo sạch và làm mới ổ gãy, lấy xương cánh chậu ghép vào ổ gãy, cố định xương bằng nẹp khóa. Sau khoảng 90 phút ca phẫu thuật hoàn thành.
2-5% khớp giả gây tàn phế
BSCKII. Giang Hoài Đức, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp và Liên chuyên khoa chia sẻ, thời gian liền xương trung bình đối với xương nhỏ khoảng hơn 3 tháng, đối với xương lớn khoảng hơn 6 tháng. Nếu đã trải qua hơn 2 lần thời gian này mà không có dấu hiệu liền xương thì được gọi là khớp giả.
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến khớp giả, gồm:
Chấn thương nặng, xương bị tổn thương phức tạp, mạch máu nuôi xương bị phá hủy…
Dinh dưỡng kém, hút thuốc lá, người có bệnh lý toàn thân...
Vận động, lao động quá sớm gây ảnh hưởng xấu đến quá trình liền xương, không tuân thủ chỉ định điều trị ...
Theo TS Lâm Văn Bình, Viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, khớp giả ở các thân xương dài (xương đùi, xương chày, xương cánh tay và xương cẳng tay) là tình trạng vẫn thường gặp.
2 – 5% bệnh nhân sau điều trị gãy thân xương dài, xương đã được điều trị mổ kết xương hoặc bó bột, bó thuốc nam… nhưng sau 6 tháng bệnh nhân vẫn không đi đứng hay vận động cánh tay, cẳng tay, chân được, chụp phim Xquang kiểm tra thấy ổ gãy xương chưa liền, đó là khớp giả.
Nguyên nhân phần lớn khớp giả thân xương dài không nhiễm khuẩn là do cố định không vững ổ gãy.
Đến giai đoạn khớp giả, các khớp kế cận của xương gãy thường bị hạn chế vận động, không vận động được cần phải được can thiệp phẫu thuật kết xương để cố định vững ổ gãy (thường kèm theo tháo phương tiện kết xương cũ), đồng thời kết hợp với làm mới ổ gãy, ghép xương..., mới có thể liền xương. Nếu không điều trị bệnh nhân sẽ tàn phế.
“Điều trị khớp giả là một quá trình khó khăn, phức tạp và lâu dài. Kết quả điều trị chỉ có thể đánh giá được sau nhiều tháng nữa. Điều quan trọng nhất đối với bệnh nhân sau phẫu thuật ghép xương là phải tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ, bổ sung dinh dưỡng và tái khám định kỳ”, BSCKII. Giang Hoài Đức nhấn mạnh.
Thúy Nga