Lấy ý kiến đóng góp các dự án Luật

Lấy ý kiến đóng góp các dự án Luật
2 giờ trướcBài gốc
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị lấy ý kiến 2 dự án Luật
Ông Trần Văn Sáu – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh gợi ý một số nội dung cần tập trung thảo luận đối với 2 dự án Luật. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được bố cục gồm 2 điều để sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.
Đóng góp ý kiến dự thảo Luật, về đối tượng tham gia BHYT, đại biểu thống nhất việc sửa đổi, bổ sung các đối tượng tham gia BHYT bắt buộc để đảm bảo đồng bộ với quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và các Luật khác có liên quan.
Đại biểu thống nhất chủ trương việc mở rộng phạm vi, quyền lợi của người tham gia BHYT cần hướng đến mục tiêu đảm bảo tốt hơn quyền lợi khám chữa bệnh và giảm chi tiền túi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, việc điều chỉnh, mở rộng phạm vi, quyền lợi BHYT phải dựa trên nguyên tắc cân đối thu - chi quỹ BHYT, ổn định và bền vững quỹ BHYT. Đại biểu kiến nghị Bộ Y tế cần đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, toàn diện, tổng thể tình hình kinh tế xã hội, khả năng đóng của người tham gia BHYT, ngân sách nhà nước, người sử dụng lao động, tác động của việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, mở rộng phạm vi, quyền lợi hưởng BHYT, mở rộng danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chính sách “thông tuyến”… đến khả năng chi trả, cân đối quỹ BHYT…
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh đóng góp ý kiến tại hội nghị
Đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người, về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân (Chương V), đại biểu có ý kiến thống nhất dự thảo Luật về đối tượng và các chế độ hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân (Điều 27), dự thảo Luật quy định: “Người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ có căn cứ cho rằng họ là nạn nhân thì đến UBND cấp xã, cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã mà cơ quan, tổ chức có trụ sở. UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp xã đã tiếp nhận thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ pháp luật theo quy định của Luật này”. Đối với quy định này, đại biểu thống nhất bổ sung cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển (là những cơ quan có nhiệm vụ chính trong phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người) là phù hợp…
Ông Trần Văn Sáu – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận ý kiến đóng góp của đại biểu
Ông Trần Văn Sáu – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, ghi nhận ý kiến đóng góp của đại biểu, những ý kiến này là cơ sở để Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia góp ý, thảo luận tại tại kỳ họp Quốc hội tới. Đồng thời đề nghị các đại biểu nghiên cứu tiếp tục đóng góp bằng văn bản về Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi tới cơ quan soạn thảo luật xem xét, quyết định.
Thanh Trúc
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/phap-luat/lay-y-kien-dong-gop-cac-du-an-luat-126207.aspx