Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: K.S
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị Đào Mạnh Hùng nhấn mạnh: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, cùng với bối cảnh mới, yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một số điều của Hiến pháp cần được sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về: sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để thích ứng với tình hình mới.
Với nhiều điểm mới như: khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam; quy định về quyền trình dự án luật, pháp lệnh của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; quy định mô hình địa phương 2 cấp; quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; không tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: K.S
Theo quy định tại Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, MTTQ Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia xây dựng pháp luật, giám sát và phản biện xã hội. Trong đó, phản biện xã hội tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp là nội dung trọng tâm, thể hiện rõ vai trò trung tâm trong việc tập hợp, phản ảnh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Trên tinh thần đó, hội nghị được tổ chức để làm rõ: những nội dung sửa đổi, bổ sung lần này đã phù hợp với thực tiễn chưa. Các điều khoản dự kiến sửa đổi, bổ sung đã hợp lý, khoa học và chặt chẽ về mặt lập hiến chưa. Tác động của việc sửa đổi Hiến pháp đến tổ chức, hoạt động của chính quyền, các cơ quan nhà nước, của MTTQ và các tổ chức thành viên.
Khả năng tiếp thu, thực thi trong thực tế tại địa phương, cơ sở, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền con người, chính quyền địa phương, mô hình phân quyền, tổ chức bộ máy nói chung và tính khả thi trong thực hiện. Kiến nghị cụ thể (nếu có) về bổ sung, sửa đổi thêm các điều khoản khác để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất.
Hội nghị phản biện là dịp quan trọng để thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong việc đóng góp trí tuệ cho một sự kiện chính trị - pháp lý lớn của đất nước.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh rất mong các đại biểu tham dự hội nghị với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, thẳng thắn, khách quan, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, sâu sắc, góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân.
Chủ tịch Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thái Vĩnh Liệu tham gia góp ý dự thảo nghị quyết tại hội nghị - Ảnh: K.S
Tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đồng thời tập trung góp ý vào những nội dung như: vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam trong mô hình mới sau sắp xếp; cần chỉnh sửa một số câu từ rõ ràng, dễ thực hiện; công tác phân cấp, phân quyền của hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội... .
Kết quả phản biện tham gia ý kiến sẽ là cơ sở quan trọng để Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, gửi Quốc hội và các cơ quan liên quan.
Được biết tính đến thời điểm hiện tại, MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức được 254 hội nghị lấy ý kiến; có 60.436/60.447 đồng ý với dự thảo nghị quyết; 11 ý kiến khác; 5 ý kiến không đồng ý tại Khoản 3, Điều 2 của dự thảo nghị quyết về việc chỉ định nhân sự không là đại biểu HĐND.
Kăn Sương