Toàn cảnh Hội thảo khoa học.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: Theo các chứng cứ lịch sử, vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhân dân Điện Biên (tỉnh Lai Châu trước đây) đã xây dựng ngôi đền - lưu truyền là Đền thờ Đức Thánh Trần tại khu vực đồi cao trung tâm (trước đây, đồng bào dân tộc Thái gọi là Đồi Lạng Chượng), nay là khu vực dãy các Đồi A1 - Đồi F - Đồi Cháy (theo tên gọi của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ) thuộc thành phố Điện Biên Phủ, để thờ phụng, tưởng nhớ công lao to lớn của tiền nhân đã có công hộ quốc, an dân.
Công trình đền do nhân dân địa phương xây dựng là dấu mốc gắn với sự hiện diện của người Việt Nam, gắn với sự quản lý của các triều đại Việt Nam, gắn với chủ quyền, lãnh thổ quốc gia Việt Nam. Khi quân Pháp chiếm đóng Mường Thanh, chúng cướp ngôi đền này để làm đồn lính Pháp, sau đó, chúng phá đền để xây dựng cứ điểm đề kháng. Ngày nay, nhân dân Điện Biên mong mỏi được xây dựng khôi phục Đền thờ Đức Thánh Trần do các thế hệ cha ông trước đây xây dựng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên phát biểu.
Đề dẫn Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh: Khi đến thành phố Điện Biên Phủ, bất cứ du khách nào cũng mong muốn tìm hiểu lịch sử giai đoạn trước 1954. Dù khá muộn nhưng những phát hiện mới xung quanh các tấm ảnh về Đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1 là một bổ sung cho mong muốn nêu trên, với ý tưởng ban đầu về việc phục dựng Đền thờ Đức Thánh Trần. Tại Hội thảo khoa học lần thứ nhất do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức tại Thành phố Điện Biên Phủ, quan điểm xây dựng mới đã dần thay thế quan điểm phục dựng ban đầu.
Hội thảo khoa học “Xây dựng khôi phục đền thờ Đức Thánh Trần tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên” lần thứ hai nhằm tiếp tục thảo luận sâu một số vấn đề: tính xác thực của các tấm ảnh về Đền thờ Đức Thánh Trần trên đồi A1; khả năng tìm kiếm thêm tư liệu liên quan; tục thờ Thần và tục thờ Đức Thánh Trần ở vùng núi phía Bắc nói chung, vùng biên ải nói riêng; sự cần thiết của việc xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần; xem xét đền trong không gian Quy hoạch Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; phác thảo về kết nối Đền thờ các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với Đền thờ Đức Thánh Trần và các điểm di tích phụ cận; cơ sở pháp lý và phác thảo Kế hoạch xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần.
Tại Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Nguyễn Minh Phú đã trình bày Báo cáo kết quả tìm kiếm thu thập thông tin, tư liệu liên quan Đền thờ Đức Thánh Trần tại khu vực đồi Lạng Chượng, thành phố Điện Biên Phủ, với 6 bức ảnh, 4 cuốn tư liệu, một số tài liệu có thông tin liên quan đến Đền thờ Đức thánh Trần tại di tích Đồi A1. Cùng với đó là 50 tập tư liệu (gồm: 13 tập Hán Nôm, 37 tập tiếng Pháp) liên quan đến Điện Biên Phủ từ năm 1942 trở về trước đang được dịch thuật sang ngôn ngữ Tiếng Việt, hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 Hà Nội.
Trên cơ sở này, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất cho việc xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần ở Điện Biên.
Liên quan giải pháp, định hướng xây dựng khôi phục Đền thờ Đức Thánh Trần, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Cường cho rằng cần gắn việc nghiên cứu xây dựng, phục dựng đền với quy hoạch di tích Chiến trường Điện Biên Phủ để có cơ sở, hành lang pháp lý phù hợp với định hướng bảo tồn, phục hồi di tích; xã hội hóa ở mức cao nhất sự đóng góp vật chất, nguyên vật liệu, kinh phí của các tổ chức, cá nhân.
Về kiến trúc, cần khôi phục ở mức cao nhất kiến trúc cổng đền theo ảnh tư liệu để lại; tuân thủ nguyên tắc kiểu dáng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc tâm linh truyền thống của các ngôi đền thờ Đức Thánh Trần hiện có ở các địa phương, kết hợp hài hòa nghệ thuật điêu khắc truyền thống của các nhóm cộng đồng cư dân địa phương. Bên cạnh đó, cần xây dựng không gian văn hóa tại Đền Trần phù hợp với cảnh quan sinh thái xung quanh, với truyền thống văn hóa, lịch sử tộc người, quan niệm thẩm mỹ, tập tục thờ cúng của không gian văn hóa Tây Bắc - Điện Biên; có hình thức ghi nhận dấu tích đồi Lạng Chượng (như dựng bia ghi nhận, đài tưởng niệm...) tại khu vực các đồi cao…
Các đại biểu điều hành Hội thảo.
Về vị trí xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần trong không gian quy hoạch Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn, Viện Bảo tồn Di tích nêu quan điểm: Đền thờ nằm trong tổng thể của một di tích quốc gia đặc biệt, với tính chất khác biệt so với tính chất của di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ. Do đó, việc xây dựng đền cần cân nhắc hạn chế ảnh hưởng tới cảnh quan chung khu vực di tích; không xâm phạm, xóa bỏ tới các thành phần, chứng tích gốc của di tích; không cản trở việc tái tạo, phục dựng, phỏng dựng lại cảnh quan chiến trường, các thành phần công trình theo định hướng của Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Địa điểm xây dựng Đền thờ cũng phải tạo được mối liên kết với các điểm di tích góp phần cộng hưởng làm tăng giá trị tổng thể chung, phát huy một cách hiệu quả các giá trị của di tích gốc; ưu tiên lựa chọn các điểm di tích dạng chỉ còn địa danh, không còn các dấu tích, chứng tích gốc của cuộc chiến, chưa được đầu tư khai thác và phát huy.
Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đề xuất nên xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần tại khu vực Di tích Đồi Cháy. Thạc sĩ Đào Duy Trình, Trưởng phòng Quản lý si sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Trên cơ sở kết quả Hội thảo khoa học lần thứ nhất được tổ chức tháng 9/2024 tại tỉnh Điện Biên và các tài liệu thu thập được thì nền móng của Đền thờ Đức thánh Trần có thể nằm ở khu vực cây đa cụt là hầm hào chiến sự thể hiện sự khốc liệt của trận chiến trên đồi A1, do vậy việc phục dựng lại ngôi đền theo đúng vị trí như vốn có rất khó khăn, sẽ làm phá vỡ cảnh quan và chồng lấn các di tích đã được trùng tu tôn tạo. Vị trí Đồi F hiện nay đã xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, việc thực hiện xây dựng đã hoàn thành do đó xây dựng đền Trần tại di tích này cũng không khả thi.
Vì thế, việc xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần được đề xuất sẽ thực hiện tại di tích Đồi Cháy. Khu đất dự kiến xây dựng Đền thờ tại đây là khu đất thoáng đãng, rộng rãi, cảnh quan thiên nhiên đẹp, bảo đảm các yếu tố tổ hợp các hạng mục công trình trên tổng mặt bằng một cách hài hòa, hợp lý, không làm ảnh hưởng đến các yếu tố gốc của di tích.
“Việc xây dựng Đền Trần tại di tích Đồi Cháy sẽ tạo nên một trục liên hoàn bao gồm: Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1 tạo thành nơi tập trung sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và các bậc tiền nhân có công lao trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thuận lợi cho nhân dân, du khách khi đến tham quan, tưởng nhớ”, Thạc sĩ Đào Duy Trình nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổng kết Hội thảo.
Tổng kết Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: Ý tưởng, chủ trương xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần tại thành phố Điện Biên Phủ là nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Việc thiết kế ngôi đền mới tại thành phố Điện Biên Phủ cần bám sát các nguyên tắc, đặc điểm trong tổ chức không gian về hướng, bố cục công trình, trang trí nội ngoại thất và đặc biệt là bài trí nội thất. Đền thờ Đức Thánh Trần là công trình tưởng niệm, phương án kiến trúc ngoài tuân thủ nguyên tắc chung thì không nên dập khuôn nguyên mẫu các đền thờ gắn trực tiếp với cuộc đời và sự nghiệp của Đức Thánh Trần ở Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình. Quy mô đền thờ cần tính toán hợp lý, bảo đảm trang nghiêm và hài hòa với cảnh quan vùng Tây Bắc.
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đánh giá Hội thảo khoa học về về xây dựng Đền thờ Đức Thánh Trần ở tỉnh Điện Biên là rất quan trọng nhưng vẫn chỉ mang tính gợi mở bước đầu. Tỉnh Điện Biên cần nghiên cứu, xem xét và có lộ trình thực hiện bài bản, đặc biệt chú trọng đến tính pháp lý, tính khoa học cho việc làm quan trọng này.
TRANG ANH