Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013: Tăng cường dân chủ, đẩy mạnh chuyển đổi số

Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013: Tăng cường dân chủ, đẩy mạnh chuyển đổi số
6 giờ trướcBài gốc
Cùng với cả nước, tỉnh Hòa Bình triển khai đồng bộ việc lấy ý kiến nhân dân, các cấp, các ngành về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Điểm nhấn đáng chú ý trong đợt lấy ý kiến lần này là việc ứng dụng nền tảng định danh điện tử quốc gia VNeID vào công tác thu thập và phản hồi ý kiến người dân - một bước tiến rõ rệt trong cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số.
Cán bộ Chi nhánh Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình tại huyện Lương Sơn đóng góp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID.
Là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng VNeID trong quản lý nhà nước và cải cách hành chính, tỉnh đã nhanh chóng lồng ghép nền tảng này vào quy trình lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp. Theo đó, người dân có thể đăng nhập vào ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh để tham gia góp ý trực tuyến, lựa chọn các điều khoản cụ thể trong dự thảo cần phản hồi và gửi trực tiếp đến các cơ quan chức năng. Công an tỉnh đã gửi Văn bản số 1055, ngày 9/5/2025 về việc tham gia góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua hệ thống VNeID tới các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đề nghị thực hiện một số nội dung. Trong đó, đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động góp ý dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên VNeID.
Thực hiện nội dung này, các đơn vị đã tích cực triển khai. Đồng chí Bùi Văn Hải, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình tại huyện Lương Sơn chia sẻ: Việc sử dụng VNeID đóng góp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 giúp giảm thiểu chi phí in ấn, tiết kiệm thời gian tổng hợp, quan trọng nhất là tạo ra một kênh phản hồi thuận tiện, minh bạch. Người dân có thể theo dõi phản hồi của mình có được tiếp nhận hay không, từ đó tăng thêm niềm tin vào sự tham gia của họ trong các quyết sách lớn của đất nước.
Thực hiện Kế hoạch số 05, ngày 5/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Văn bản số 3883, ngày 6/5/2025 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 112, ngày 9/5/2025 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Việc thực hiện các văn bản của Trung ương đảm bảo kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, đảm bảo Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Theo kế hoạch, đối tượng được lấy ý kiến bao gồm toàn thể các tầng lớp nhân dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh; các cơ quan nhà nước của tỉnh và của huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, giới chuyên gia, nhà khoa học. Nội dung lấy ý kiến trải rộng trên toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Hình thức lấy ý kiến đa dạng, góp ý trực tiếp bằng văn bản giấy, thư điện tử, hội nghị, hội thảo, tọa đàm và đặc biệt là thông qua ứng dụng định danh điện tử VNeID - một điểm mới và mang tính ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay.
Kế hoạch cũng quy định cụ thể nhiệm vụ thực hiện của các ban, sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh. Đồng thời Báo Hòa Bình và các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền đa phương tiện, đăng tải nội dung dự thảo, mở chuyên mục góp ý. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 6/5 đến hết ngày 28/5/2025.
Việc chủ động, tích cực tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 của tỉnh không chỉ là hoạt động chính trị thông thường, mà còn là biểu hiện sinh động của quyền lực nhân dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thể hiện tinh thần dân chủ sâu rộng và là minh chứng cho quyết tâm đổi mới phương thức quản trị xã hội theo hướng hiện đại, số hóa.
Hương Lan
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/274/201175/lay-y-kien-nhan-dan-ve-sua-doi-hien-phap-nam-2013-tang-cuong-dan-chu,-day-manh-chuyen-doi-so.htm