Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: ĐỨC TUÂN)
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, trước yêu cầu của kỷ nguyên mới – một kỷ nguyên của hội nhập quốc tế sâu rộng, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu và những thay đổi sâu sắc về mô hình bệnh tật – công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đó là gánh nặng kép của bệnh tật, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, tình trạng già hóa dân số và những yêu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, những "điểm nghẽn", "nút thắt" về thể chế, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, năng lực y tế cơ sở, tự chủ cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế... vẫn đang là những rào cản lớn. Thực tiễn đó đòi hỏi phải có những tư duy mới, cách làm mới và những giải pháp mang tính đột phá.
Thực hiện , Bộ Y tế phối hợp và xin ý kiến các Đảng ủy, ban, bộ, ngành xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan báo cáo về dự thảo Nghị quyết.
Đến nay, Dự thảo đã được hoàn chỉnh trên tinh thần bám sát các yêu cầu cốt lõi: bảo đảm tính chiến lược, thể hiện rõ trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị; bảo đảm tính hành động và đột phá, khắc phục căn bệnh “chính sách tốt, nhưng triển khai yếu”; bảo đảm tính khả thi, với lộ trình, bước đi bài bản, phù hợp với điều kiện đất nước; là Nghị quyết để thực hiện Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045. Đi liền với đó là 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là: đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện; hoàn thiện thể chế, tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho nhân lực y tế; đẩy mạnh cải cách tài chính y tế và phát triển hiệu quả, bền vững hệ thống bảo hiểm y tế; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực y tế theo Nghị quyết số 57-NQ/TW; đẩy mạnh phát triển y tế tư nhân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế.
Tại hội nghị đã có 14 ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo một số địa phương; nhà quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: ĐỨC TUÂN)
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, các ý kiến đều thống nhất với hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Nghị quyết, chủ yếu góp ý vào các vấn đề cụ thể. Bộ Y tế cần tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến, chắt lọc và hoàn thiện Nghị quyết để sớm trình Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tập trung làm rõ, nổi bật hơn nội dung về chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đánh giá cao góp ý của đại diện Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng nhất trí rằng, cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí về sức khỏe khi hoạch định các chính sách, ít nhất là đối với các chính sách cơ bản.
Đặc biệt, cần nghiên cứu, làm rõ các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và có số liệu cụ thể đi kèm. Cần thiết kế, có đề xuất về mô hình tổ chức bộ máy y tế ở địa phương, cũng theo hướng bỏ trung gian, theo hướng hai cấp.
Mặt khác, cần nghiên cứu, kết hợp với bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị mới được ban hành (bộ tứ trụ cột) để phát triển các nội dung ở khía cạnh y tế, bảo vệ sức khỏe người dân.
MINH HOÀNG