Lễ Kỷ niệm cấp quốc gia do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP.HCM tổ chức.
Tham dự Lễ Kỷ niệm có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Tổng Bí thư cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự đại lễ
Tham dự Lễ Kỷ niệm có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an…
Tham dự lễ còn có các nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân…
Ngoài ra còn có lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, TP; cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động, tướng lĩnh, đại diện các chiến sĩ, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, lực lượng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; đại diện sở, ban, ngành TP.HCM, gia đình thương binh liệt sĩ, có công với nước…
Cùng dự lễ có khoảng 20 đoàn khách quốc tế bao gồm 3 đoàn cấp cao, 4 đoàn cấp bộ trưởng trở lên, hơn 15 chính đảng ở các châu lục khác nhau; đại diện của hơn 20 địa phương kết nghĩa với TP.HCM và rất nhiều cá nhân nước ngoài có đóng góp cho phong trào phản chiến, chống chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chương trình buổi lễ gồm phần lễ kỷ niệm và lễ diễu binh, diễu hành với sự tham gia của khoảng 13.000 người.
Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi lễ
Trong diễn văn, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam, của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập tự do và thống nhất non sông với chân lý: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; là dấu mốc khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã hiện thực được mong muốn và lời căn dặn thiết tha nhất của Bác Hồ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà.
Thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, từ đường lối chiến tranh Nhân dân tiến hành bằng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; tự sự kết hợp đấu tranhh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và nghệ thuật chọn đúng thời cơ, tập trung lực lượng tiến hành tổng tiến công và nổi dậy.
Chiến thắng còn bắt nguồn từ sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; từ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình và hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em, của tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào- Campuchia, của nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hòa bình tiến bộ trên thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ.
Đặc biệt, đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và và tiến bộ xã hội, mở đầu của sự phá sản chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của nhân loại thế kỷ 20.
Cùng với ý nghĩa mang tầm vóc thời đại, đại thắng mùa Xuân năm 1975 để lại những bài học kinh nghiệm có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Đó là bài học về sự phát huy sức mạnh của Nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Bài học về phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, anh dũng, kiên cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Bài học về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc của CNXH, xác định đường lối đúng đắn phù hợp với điều kiện và đặc điểm của cách mạng Việt Nam.
Bài học về vận dụng và phát triển sáng tạo phương pháp đấu tranh cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện; triển khai lý luận chiến tranh nhân dân với nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo, lấy ít địch nhiều, lấy chí nhân thay cường bạo.
Bài học về nắm vững, tranh thủ thời cơ tiến công thần tốc, táo bạo, chủ động, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo và kiên quyết tiến hành cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi trọn vẹn.
Bài học về lòng nhân ái, hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai sau chiến thắng.
Nhưng bài học lớn nhất, đồng thời là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của đại thắng mùa Xuân năm 1975 là giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh, toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ thành quả CNXH.
Trong lễ kỷ niệm sẽ tổ chức bắn 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tại Bến Bạch Đằng.
Bên cạnh đó sẽ có không quân bay chào mừng; diễu hành của xe mô hình Quốc huy - khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc - xe rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - xe mô hình biểu tượng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam; diễu binh các khối quân đội, dân quân tự vệ; diễu binh các khối công an; diễu hành các khối quần chúng.
Lễ diễu binh, diễu hành chính thức diễn ra, dàn máy bay của các đội Mi, YAK, SU bay trên bầu trời TP
Mở đầu Cuộc diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là các Biên đội của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng, đang bay trên bầu trời Tổ quốc.
Dẫn đầu đội hình là các máy bay Mi-8T, Mi-17, Mi-171. Đây là các loại máy bay trực thăng được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bay chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội; vận chuyển quân sự, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và sử dụng để đào tạo, huấn luyện giáo viên, tổ bay cho học viên trong nước và quốc tế.
Với phương châm “lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”; bằng tinh thần quả cảm phi thường, sự thông minh, sáng tạo, Bộ đội Không quân “đã xuất kích là mang chiến thắng trở về”, đánh bại kẻ thù cả trên không, mặt đất và trên biển; thực hiện trọn vẹn lời Bác Hồ dạy“mở mặt trận trên không thắng lợi”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, “Phi đội Quyết thắng” đã đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tiếp theo là các máy bay YAK-130. Đây là loại máy bay huấn luyện chiến đấu có khả năng bay trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày và đêm; được trang bị vũ khí có khả năng tiêu diệt chính xác các mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển; máy bay có khả năng trực ban chiến đấu và huấn luyện, đào tạo phi công chiến đấu mang lại hiệu quả cao.
Tiếp theo là các máy bay Su-30MK2. Đây là loại máy bay tiêm kích đa năng siêu âm thế hệ mới, hiện đại; có ưu điểm vượt trội về tính năng kỹ, chiến thuật; dùng để tiêu diệt các loại máy bay đối phương, trong điều kiện giản đơn, phức tạp, cả ngày và đêm. Máy bay Su -30MK2 sử dụng huấn luyện, trực ban chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống.
Hiện nay, Không quân nhân dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trên mặt trận đối không, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống.
Trong không khí tưng bừng của ngày chiến thắng, non sông tụ hội về đây kỷ niệm một trang sử hào hùng của dân tộc. Đội hình diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm trọng thể hôm nay tái hiện khí thế hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với phương châm “thần tốc, táo bạo”, với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, các đoàn quân tiến vào Sài Gòn đã giành thắng lợi hoàn toàn vào trưa ngày 30.4.1975.
Chiến thắng thể hiện khí phách, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; sự lớn mạnh và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng; khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới, sáng tạo; thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Để chuẩn bị cho buổi lễ chính thức này, trước đó, buổi lễ sơ duyệt, tổng duyệt đã được diễn ra vào các ngày 25.4 và 27.4 cũng thu hút hàng chục nghìn người dân khắp nơi đổ về xem.
Tin, ảnh: Thủy Long