Sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tổ chức lễ mừng chiến thắng trên quy mô toàn quốc. Sau thời gian cân nhắc, thời điểm tổ chức sự kiện trọng đại này được ấn định vào ngày 15/5/1975.
Lễ mừng chiến thắng được tổ chức nhằm mục đích biểu lộ niềm tự hào trước dấu mốc lịch sử của dân tộc, đồng thời khơi dậy khí thế thi đua xây dựng đất nước. Đây còn là lời khẳng định của Việt Nam trước bạn bè quốc tế rằng chúng ta có lực lượng hùng mạnh và đủ khả năng giữ gìn đất nước thống nhất.
Theo kế hoạch, tất cả các thành phố, thị xã trên cả nước đều tổ chức mít-tinh trọng thể vào ngày 15/5/1975. Đặc biệt, ở Sài Gòn (nay là TP.HCM) có cuộc diễu binh với thành phần chủ lực là những cán bộ, chiến sĩ vừa làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Những hình ảnh về cuộc diễu binh mừng chiến thắng ở Sài Gòn ngày 15/5/1975. (Ảnh: Chụp màn hình)
Chạy đua với thời gian
Cố nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, thời điểm năm 1975 có mặt ở Sài Gòn với tư cách phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và được giao nhiệm vụ viết bài tường thuật buổi lễ mừng chiến thắng ngày 15/5/1975. Kỷ niệm tác nghiệp này được ông thuật lại trong cuốn “Sống tới bình minh”.
Là phóng viên chiến trường đã bám sát các cánh quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, nhà báo Trần Mai Hạnh cũng cảm thấy ngạc nhiên vì chúng ta có thể tổ chức cuộc diễu binh quy mô và hoành tráng như vậy. Bởi lẽ, công tác chuẩn bị cho những sự kiện tương tự thường cần tới vài tháng, còn khi đó quỹ thời gian chỉ vỏn vẹn 15 ngày từ 30/4/1975 đến 15/5/1975.
Ủy ban quân quản thành phố đã phải giải quyết hàng núi công việc để chuẩn bị cho cuộc diễu binh mừng chiến thắng, bên cạnh công tác tiếp quản và vận hành một đô thị có quy mô 3 triệu rưỡi dân. Chưa kể, Sài Gòn mới giải phóng, tình hình an ninh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp khi các thế lực phản động và tàn quân địch vẫn còn lẩn khuất.
Để đảm bảo an toàn cho ngày hội mừng chiến thắng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã có mặt tại Sài Gòn để trực tiếp chỉ đạo công tác an ninh. Lực lượng Cảnh vệ miền Nam kết hợp với lực lượng công an chi viện từ miền Bắc và các đơn vị quân đội chốt giữ các vị trí trọng điểm.
Trong khi đó, những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia diễu binh cũng phải chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ ở ngày hội mừng chiến thắng.
Trên bầu trời Sài Gòn, phi công Nguyễn Văn Lục và các thành viên Phi đội Quyết thắng nhận nhiệm vụ bay chào mừng ở lễ diễu binh, chỉ nửa tháng sau khi dùng máy bay A-37 thu được của địch để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất và được xem như cánh quân thứ 6 trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Đại tá, AHLLVTND Nguyễn Văn Lục từng bay chào mừng trên máy bay A-37 ở lễ diễu binh mừng chiến thắng tại Sài Gòn ngày 15/5/1975.
Theo phi công Nguyễn Văn Lục (nay là Đại tá, AHLLVTND), nhiệm vụ bay diễu binh không căng thẳng và nguy hiểm như khi chiến đấu, nhưng có những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe nên đòi hỏi phi công phải có trình độ bay vững vàng cùng tính kỷ luật cao để đáp ứng. Ông và các đồng đội cũng chỉ có thời gian ngắn để làm quen với đường bay trong lễ diễu binh.
“Bay diễu binh cần đảm bảo đúng độ cao, giãn cách đúng cự ly quy định thì đội hình mới đẹp. Bên cạnh đó, cần đảm bảo đúng thời gian thông qua khán đài” – Phi công Nguyễn Văn Lục chia sẻ.
Dưới mặt đất, chiếc xe tăng số hiệu 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 được giao nhiệm vụ dẫn đầu khối xe tăng thiết giáp trong lễ diễu binh mừng chiến thắng.
Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên của xe tăng số hiệu 390 cho biết, khi đó các xe tăng tập luyện trong Tổng kho Long Bình. Đơn vị kẻ đường, tập cho hai xe đi song song thật đều nhau. Các chiến sĩ cũng được trang bị quân phục, mũ, găng tay mới để chỉnh tề dự lễ diễu binh.
“Diễu binh có những yêu cầu riêng cần đáp ứng, thời tiết Sài Gòn lại nắng nóng, nhưng chúng tôi ý thức rõ nhiệm vụ phải làm và tìm mọi cách khắc phục bất kể ngày đêm” - Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên hồi tưởng.
Dù công tác chuẩn bị gấp gáp và tiến hành riêng lẻ ở nhiều đơn vị, nhưng các lực lượng tham gia diễu binh mừng chiến thắng đã có buổi tổng duyệt thành công trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng Sài Gòn, tạo tiền đề cho thành công của buổi lễ chính thức.
Ngày hội mừng chiến thắng
Nhận nhiệm vụ tường thuật buổi lễ mừng chiến thắng, cố nhà báo Trần Mai Hạnh đã để lại cho công chúng những tư liệu sống động về bầu không khí Sài Gòn ngày 15/5/1975.
Ngày hôm đó, hơn 55 vạn đồng bào đã đến tham gia và dự lễ mít-tinh diễu binh, diễu hành tại quảng trường trước Dinh Độc Lập. Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã tham gia Đoàn Chủ tịch.
Tham gia Đoàn Chủ tịch còn có các lãnh đạo Trung ương Cục như Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Trần Nam Trung, Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định Trần Văn Trà... Đại tướng Văn Tiến Dũng, Cố vấn Lê Đức Thọ được Trung ương cử vào trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng đến dự buổi lễ.
Cố nhà báo Trần Mai Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã có mặt ở Sài Gòn với tư cách phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và viết bài tường thuật về lễ diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975.
Buổi lễ bắt đầu lúc 6 giờ 30 sáng. Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn - Gia Định, Thượng tướng Trần Văn Trà đọc lời khai mạc. Tiếp đó, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đọc diễn văn giữa tiếng hoan hô vang dậy.
Sau cuộc mít-tinh khổng lồ mừng thắng lợi là cuộc diễu binh lịch sử, biểu dương lực lượng của một dân tộc anh hùng, của một quân đội anh hùng. Dưới nắng vàng rực rỡ, rợp trời cờ hoa và khí thế tưng bừng, các khối diễu binh, diễu hành tiến qua lễ đài và hô vang khẩu hiệu mừng chiến thắng.
“Hàng triệu người, trong đó có rất nhiều phóng viên các hãng thông tấn, báo chí quốc tế háo hức theo dõi các vũ khí hiện đại của quân đội nhân dân Việt Nam lúc đó như xe thiết giáp chở quân K63, xe vận tải quân sự cỡ lớn, xe kéo pháo bánh xích, xe tăng chiến đấu chủ lực T54 dàn hàng ngang cùng đạn tên lửa V750 của hệ thống phòng không nổi tiếng SAM-2 cùng gương mặt rạng ngời của các chiến sĩ giải phóng rầm rập tiến qua lễ đài…” – Cố nhà báo Trần Mai Hạnh viết.
Xe tăng số hiệu 390 dẫn đầu khối xe tăng thiết giáp, pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên nghiêm trang bên khẩu súng máy 12 ly 7 trong lòng tràn đầy tự hào. Ông hồi tưởng “Các lãnh đạo và nhân dân vẫy chào chúng tôi. Thật vô cùng vinh dự, kiêu hãnh khi chúng tôi được đi trong sự chào đón của nhân dân Sài Gòn – Gia Định”.
Nhớ lại cảm xúc khi lái chiếc máy bay A-37 bay chào mừng qua Dinh Độc Lập, phi công Nguyễn Văn Lục bày tỏ: “Cảm xúc lúc ấy thật vui mừng phấn khởi. Đất nước đã trải qua bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá, giờ mình được bay trên bầu trời Sài Gòn trong tâm thế mới. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của riêng chúng tôi, mà còn của cả dân tộc”.
Cuộc diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn đã thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cũng như bạn bè quốc tế. Theo tư liệu của cố nhà báo Trần Mai Hạnh, các nhà báo quốc tế đã phải trầm trồ khi Việt Nam tổ chức thành công lễ mừng chiến thắng chỉ trong vòng 2 tuần sau khi giải phóng miền Nam.
Cùng ngày, khắp cả nước cũng hân hoan mừng chiến thắng với cờ hoa rợp trời, ảnh Bác Hồ và những cuộc mít-tinh quy mô lớn. Ngày 15/5/1975 trở thành một cột mốc đặc biệt trong thời điểm lịch sử của dân tộc.
Buổi lễ mừng chiến thắng tại Sài Gòn ngày 15/5/1975 có sự tham dự của xe tăng, tên lửa và nhiều loại khí tài, nhưng các tư liệu báo chí thời điểm ấy đều gọi đây là lễ “diễu binh” thay vì “duyệt binh”. Chỉ thị của Ban Bí thư số 220-CT/TW ngày 5/5/1975 về kế hoạch ngày lễ trong cả nước mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc cũng không có nội dung duyệt binh. Theo kế hoạch trong chỉ thị, Hà Nội và Sài Gòn sẽ tổ chức mít-tinh trọng thể, có diễu hành; đưa quần chúng và nếu có thể, đưa một phần lực lượng vũ trang xuống đường biểu dương lực lượng.
Tài liệu tham khảo:
- Sống tới bình minh
- Bản tin Thông tấn xã số 136 - ngày 16/5/1975.
- Văn kiện Đảng toàn tập – tập 36
- Tổng kết lịch sử công tác cảnh vệ công an nhân dân Việt Nam
Bảo Long/VOV.VN