Lễ giải hạn của người Tày, Nùng

Lễ giải hạn của người Tày, Nùng
7 giờ trướcBài gốc
Lễ giải hạn nhằm mục đích xua đuổi điều xấu, cầu tốt lành.
Lễ giải hạn nhằm mục đích xua đuổi những điều xấu, không may mắn trong cuộc sống, cầu mong điều tốt lành.
Gia đình bà Lý Thị Điện, thôn Soi Chinh, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) làm lễ giải hạn trong đám cưới của con trai. Bà bảo, đám cưới là sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Từ đây gia đình bà có thêm thành viên mới vì vậy gia đình bà mời thầy về làm lễ giải hạn, mong những điều tốt đẹp sẽ đến với các con và cả gia đình.
Trước đó gia đình bà đã tìm gặp thầy để xem ngày lành, sau đó tiến hành chuẩn bị lễ vật và đi đón thầy về nhà để làm lễ.
Trước ngày làm lễ, anh em họ mạc, bà con lối xóm đến giúp gia đình chuẩn bị đồ lễ. Trong mâm lễ, bánh giày là đồ lễ không thể thiếu, vì thế không khí giã bánh giày vô cùng nhộn nhịp.
Các đồ lễ để cúng tùy theo mỗi thầy có những yêu cầu riêng và tùy thuộc vào điều kiện mỗi gia đình khi sắm lễ. Nhưng các đồ lễ cơ bản nhất để cúng lễ giải hạn gồm có mâm lễ, để thầy làm lễ để dưới chân bàn thờ.
Mâm lễ được đặt ở sảnh giữa trong nhà, dưới bàn thờ tổ tiên là nơi diễn ra các hoạt động cúng bái của thầy gồm 5 bát gạo sống, 5 chén rượu, 5 chén rượu, ngủ quả, bánh kẹo, bát nước, lá trầu không, tiền vàng. Hai bên xếp 2 đĩa bánh giày đỏ, 1 bát đặt thêm 1 quả trứng gà, cắm hương và nhiều hình nhân được cắt bằng giấy, cành hoa, cây... Ở đó có một số vật dụng hành lễ của thầy.
Còn mâm khác để hành lễ, gồm: Một mâm cơm, các vật dung như cây mía, cây chuối, nhà lầu bằng chuối, bè chuối, cầu, thuyền hoa…
Trong nghi lễ này, tranh thờ được treo trang trọng ngay trước bàn thờ gia tiên với mục đích mời thần linh về chứng giám nghi lễ giải hạn, xua đuổi tà ma, ban phước lành cho gia chủ.
Một số vật dụng dùng trong thực hành nghi lễ
Theo thầy Pựt Tô Quang Chung, thôn làng Rèn 1, xã Hòa An ( Chiêm Hóa) trong một lễ giải hạn, các nghi lễ bước chung nhất thường gồm các phần: Nhập môn, thỉnh tướng (báo cáo với tổ tiên và mời tổ tiên về để con cháu trong gia đình được dâng các lễ vật); bốc mệnh (dự đoán bản mệnh của người để biết được khái quát về công danh tài lộc, sự thọ yểu, thăng trầm, những bệnh tật hay tai họa trong cuộc đời); trừ tà (diệt trừ tà ma, quét sạch những vận xui, rủi ro...); hành yên, lập phú (cầu bình an, tài lộc). Trong lễ cúng giải hạn, thầy sẽ dùng hai thẻ gỗ để gieo quẻ, xin lộc tới cho gia đình. Nếu như gia chủ thành tâm và âm phần trong nhà tốt thì việc xin quẻ sẽ diễn ra thuận lợi, lễ cúng sẽ diễn ra suôn sẻ và kết thúc tốt đẹp.
Thầy được mời về làm lễ giải hạn là người có uy tín , am hiểu văn hóa đồng bào, có khả năng thần giao cách cảm, có thể giao tiếp với thế giới tâm linh, những người đã khuất hoặc dự báo được những vận hạn của người khác thông qua nhãn quan của mình. Họ được các gia đình mời để làm lễ giải hạn, mừng nhà mới, cầu tự, cầu phúc lộc, thọ…
Tranh thờ được dùng trong lễ giải hạn.
Trong khi làm lễ, gia đình có người già, trẻ em, thầy sẽ làm nghi lễ buộc chỉ cổ tay với mong muốn người già được mạnh khỏe, sống thọ; trẻ em hay ăn chóng lớn.
Hiện nay, lễ giải hạn vẫn được duy trì trong đời sống đồng bào Tày, Nùng ở Tuyên Quang. Đây là nét văn hóa độc đáo thể hiện tín ngưỡng tâm linh giàu tính nhân văn.
Bài, ảnh: Hoàng Anh
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/le-giai-han-cua-nguoi-tay-nung-203902.html