Quảng bá du lịch – nâng tầm cà phê Việt
Với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm Đến của Cà Phê Thế Giới”, lễ hội không chỉ là sự kiện văn hóa quan trọng của Việt Nam, mà còn là cơ hội để cà phê Việt vươn xa, khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới.
Buôn Ma Thuột – vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ cà phê” của Việt Nam – từ lâu đã nổi tiếng với những vườn cà phê bạt ngàn và chất lượng hạt cà phê Robusta hàng đầu thế giới.
Quang cảnh buổi họp báo.
Lễ hội năm nay hướng đến mục tiêu không chỉ tôn vinh giá trị của hạt cà phê, mà còn tạo cầu nối để cà phê Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế, thông qua các hoạt động giao thương, triển lãm và hội thảo chuyên đề.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức lễ hội, chia sẻ: "So với lần Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 sẽ có các điểm nhấn mới như: Cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền Lễ hội trên môi trường mạng; Lễ khởi công Nhà máy cà phê năng lượng Trung Nguyên Legend; Hội trại cà phê “Đồng hành, chia sẻ” tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA, huyện Krông Pắc…
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng ban tổ chức lễ hội phát biểu tại họp báo.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Lễ hội tập trung công tác truyền thông quảng bá đa phương tiện, chú trọng truyền thông chủ yếu qua các trang, tài khoản mạng xã hội uy tín có lượng tương tác cao, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc Tây Nguyên của Đắk Lắk đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Việc UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 là một hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng, nhằm giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước quảng bá sản phẩm, gắn kết sự phát triển giữa sản xuất và xuất khẩu, mở rộng thị trường và hợp tác đầu tư nhằm phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh có hiệu quả.
Với những đổi mới trong mô hình sản xuất, chế biến và thương mại hóa, ngành cà phê Việt Nam đang dần khẳng định vị thế không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng.
Chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 sẽ là cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng bạn bè trên thế giới có dịp gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh. Từ đó góp phần đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương, phát triển du lịch, giới thiệu hình ảnh đặc sắc về văn hóa cà phê, về con người, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo dựng hình ảnh về một Đắk Lắk năng động, thân thiện, lịch sự, mến khách"...
Cà phê Việt – từ nông trại đến bản đồ thế giới
Trong bối cảnh Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2025 đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt.
Với những đổi mới trong mô hình sản xuất, chế biến và thương mại hóa, ngành cà phê Việt Nam đang dần khẳng định vị thế không chỉ về số lượng, mà còn về chất lượng.
Lễ hội lần này không chỉ là một sự kiện văn hóa – kinh tế, mà còn là một chiến lược dài hơi nhằm thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam vươn xa.
Với sự chung tay của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, cà phê Việt sẽ ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường thế giới, đúng với tinh thần của lễ hội: “Buôn Ma Thuột – Điểm Đến của Cà Phê Thế Giới”.
Hoa hậu H'Hen Niê, đại sứ truyền thông của lễ hội, chia sẻ niềm tự hào khi được làm đại xứ cho sản phẩm quê hương.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2025 hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam không chỉ là một cường quốc cà phê mà còn là một điểm đến văn hóa, du lịch hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.
Từ những nông trại cà phê bạt ngàn của đại ngàn Tây Nguyên, hai cô gái sinh ra từ vùng đất đỏ bazan, Hoa hậu H’Hen Niê và Hoa hậu Đinh Thị Hoa đã trở thành những đại sứ đưa hình ảnh cà phê Việt Nam vươn xa thế giới.
Họ không chỉ mang vẻ đẹp của người phụ nữ Tây Nguyên, mà còn mang trong tim niềm tự hào về hạt cà phê quê hương – một sản phẩm không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Từ bé, các cô đã quen với hình ảnh những người nông dân tất bật trong mùa thu hoạch, những đôi tay sạm nắng hái từng trái chín đỏ, những rẫy cà phê kéo dài bất tận dưới cái nắng Tây Nguyên. Trải qua bao thăng trầm để có được những hạt cà phê chất lượng nhất.
Lễ hội lần này không chỉ là một sự kiện văn hóa – kinh tế, mà còn là một chiến lược dài hơi nhằm thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam vươn xa.
"Cà phê không chỉ là một nông sản, mà còn là kết tinh của văn hóa, của thiên nhiên, và của bàn tay người Việt. Khi nhắc đến cà phê Việt Nam, tôi mong rằng thế giới sẽ không chỉ nhớ đến một loại cà phê ngon mà còn nhớ đến con người Việt Nam – những con người cần cù, sáng tạo và đầy lòng tự hào" – Đinh Thị Hoa chia sẻ.
Từ những rẫy cà phê trên cao nguyên đến những ánh đèn sân khấu quốc tế, từ những bàn tay nông dân đến những người yêu cà phê khắp năm châu, câu chuyện của H’Hen Niê và Đinh Thị Hoa là minh chứng sống động cho hành trình vươn xa của cà phê Việt Nam – một hành trình mang theo niềm tự hào, bản sắc và khát vọng vươn tầm thế giới.
Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “thủ phủ Cà phê của Việt Nam", có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc.
Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Minh Anh