LỄ HỘI CARNAVAL ĐƯỜNG PHỐ 'BẮC KẠN LUNG LINH SẮC MÀU'

LỄ HỘI CARNAVAL ĐƯỜNG PHỐ 'BẮC KẠN LUNG LINH SẮC MÀU'
8 ngày trướcBài gốc
>> Xem và tương tác trực tiếp trên Fanpage Báo Bắc Kạn tại đây.
Chương trình khép lại bằng màn biểu diễn Flasmob của nhiều diễn viên nhất tại Phố đi bộ Sông Cầu:
21h22: Múa Lân Sư Rồng
Đoàn Lân Sư Rồng dẫn đầu, theo sau là các vị đại biểu và hơn 1.100 nghệ nhân, diễn viên diễu diễn ra Phố đi bộ Sông Cầu để bước vào phần biểu diễn Flasmob.
21h18: Múa Chầu then:
Khán giả được thưởng thức màn múa chầu then đặc sắc của 120 nghệ nhân, học sinh. Múa chầu then còn gọi là múa sluông chầu, là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Loại hình nghệ thuật này không chỉ ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc về tín ngưỡng và tâm linh mà còn là cách để truyền đạt và duy trì những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày qua nhiều thế hệ.
21h12: Phần diễn diễu của nghệ nhân thành phố Bắc Kạn:
Những năm qua, thành phố Bắc Kạn đã trở thành một địa chỉ thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nổi tiếng, mang lại cho Bắc Kạn một diện mạo tươi mới, hiện đại, năng động. Chúc mừng Thành phố Bắc Kạn – thành phố tròn 10 mùa hoa!
21h07: Phần diễn diễu của nghệ nhân huyện Pác Nặm
Người Mông Pác Nặm có lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Mù Là - một trong những lễ hội độc đáo cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, là dịp để nhân dân tụ họp, vui chơi những ngày đầu xuân mới trước khi bước vào một năm lao động sản xuất.
Múa mặt gỗ là điệu múa duy nhất của người Sán Chỉ, những chiếc mặt nạ được làm bằng gỗ rất nhẹ và khắc hình mặt người khá hung dữ. Khi đeo mặt nạ, họ dùng chiếc khăn chàm phủ kín phía sau đầu và buộc cố định vào chiếc mặt nạ. Theo truyền thống của người sán chỉ, họ đeo mặt nạ khi múa là để đi gặp thần linh dâng lễ vật, truyền tải những mong ước tốt đẹp trong năm mới.
21h02: Phần diễn diễu của nghệ nhân huyện Na Rì
Các nghệ nhân đã mang đến không gian văn hóa nổi bật của Chợ tình Xuân Dương - lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng. Lễ hội có lịch sử lâu đời cùng với nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo. Chợ tình được tổ chức vào ngày 25 tháng 3 âm lịch hàng năm, là dịp để những đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau hoặc những người bạn cũ có dịp gặp lại, hò hẹn bên nhau qua câu hát sli đối đáp, thổ lộ nỗi niềm và tâm tình trao duyên…
20h57: Phần diễn diễu của nghệ nhân huyện Ngân Sơn
Huyện Ngân Sơn mang đến Lễ hội điệu múa Rùa độc đáo của người Dao tiền. Chuyện kể rằng: Khi loài ác thú đến phá phách làng bản, đàn rùa đã hiện lên giúp đồng bào Dao tiền đánh thắng ác thú, lấy lại bình yên cho dân bản. Vì thế người Dao tiền luôn nhớ ơn loài rùa, coi rùa là vật quý để dâng cúng các vị thần linh. Điệu múa rùa được xây dựng mang tính cộng đồng cao, đồng thời phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao tiền…
20h54: Phần diễn diễu của nghệ nhân huyện Chợ Mới
Điệu múa "tắc xình" mang ước nguyện của con người về một năm thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, bản làng bình yên, hạnh phúc, đồng thời thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.
20h50: Phần diễn diễu của nghệ nhân huyện Chợ Đồn
Chợ Đồn đưa khán giả và du khách đắm chìm trong không gian văn hóa của người Dao đỏ qua màn tái hiện đám cưới. Đây là một nét văn hóa riêng có của dân tộc Dao đỏ, lễ cưới có vai trò trọng đại không chỉ đối với đôi trai, gái mà còn với cả hai bên gia đình, dòng họ; chứa đựng nhiều giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, tinh thần…
20h45: Phần diễn diễu của nghệ nhân huyện Bạch Thông
Bạch Thông có vị trí địa lý gần trung tâm tỉnh Bắc Kạn, được bao quanh bởi hệ thống núi hình cánh cung, có địa hình phức tạp. Đây là nơi hội tụ tương đối đầy đủ những đặc điểm chính của tỉnh Bắc Kạn cả về điều kiện tự nhiên và xã hội, nên đã trở thành một địa điểm lý tưởng cho người đam mê khám phá du lịch và tìm hiểu lịch sử, truyền thống.
Nghi lễ cấp sắc của người Dao Tiền một trong những nét đặc sắc và độc đáo của đồng bào trong huyện, được công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia. Đây là nghi lễ nhằm đánh dấu sự trưởng thành của nam giới về mặt sinh lý cũng như xã hội, là minh chứng về sự hình thành và phát triển của người Dao Tiền nói riêng với các nghi lễ cúng gọi hồn, gọi mùa, các bài múa mang đậm giá trị nghệ thuật..
20h40: Phần diễn diễu của nghệ nhân huyện Ba Bể
Các nghệ nhân huyện Ba Bể đã mang đến Lễ hội màn trình diễn Di sản Múa Bát của các nghệ nhân dân tộc Tày, tái hiện lại văn hóa sinh hoạt thường ngày của đồng bào. Với mong muốn giữ gìn và phát huy những giá trị cốt lõi của dân tộc – điệu Múa bát của dân tộc Tày được vinh dự là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
20h36: Khối Công, Nông, Binh, Trí thức:
Công, Nông, Binh, Trí thức là lực lượng đại diện tinh thần đại đoàn kết các tầng lớp xã hội trong tỉnh, luôn sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt lên thách thức, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, trong sạch vững mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Bắc Kạn đang vững bước đi lên, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2025 và những năm tiếp theo; với đích đến là điểm đến ấn tượng cho mọi người. Bắc Kạn – hạnh phúc bền lâu! Bắc Kạn – vươn mình cùng đất nước!
20h32: Khối thiếu nhi các dân tộc tỉnh Bắc Kạn
Thiếu nhi các dân tộc Bắc Kạn, trong suốt chiều dài lịch sử thế hệ thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh luôn thực hiện tốt các phong trào thi đua của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh chăm ngoan, học giỏi xứng đáng với sự kỳ vọng của thế hệ cha anh đi trước…
20h28: Phần chính của Lễ hội Carnaval
Khối Hồng kỳ tiến vào lễ đài. Đi đầu đoàn diễu hành là Khối Hồng Kỳ mang sức mạnh đại đoàn kết, dòng máu cách mạng và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ Bắc Kạn tiến bước đi lên, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, gắn với chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Bắc Kạn.
20h12: Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn khai mạc.
Bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nêu rõ: Nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc Bắc Bộ Việt Nam, Bắc Kạn là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em. Tỉnh Bắc Kạn được thành lập ngày 11/4/1900 theo Nghị định của toàn quyền Đông Dương tách phần đất thuộc phủ Thông Hóa gồm các châu Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hóa, Cảm Hóa để thành lập tỉnh Bắc Kạn; đến năm 1916 thành lập thêm châu Chợ Đồn. Từ đó, tỉnh Bắc Kạn có 5 châu với 20 tổng và 103 xã.
Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Năm 1978, Quốc hội tách 2 huyện Ngân Sơn và Chợ Rã thuộc tỉnh Bắc Thái nhập vào tỉnh Cao Bằng.
Ngày 06/11/1996, Quốc hội phê chuẩn việc chia tách tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Kạn long trọng tổ chức lễ tái thành lập tỉnh tại thị xã Bắc Kạn; các huyện Ngân Sơn, Ba Bể được tái nhập lại tỉnh Bắc Kạn.
Năm l998, huyện Chợ Mới được thành lập, năm 2003 thành lập thêm huyện Pác Nặm. Từ đó đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 8 huyện, thành phố. Sau các lần sáp nhập, đến nay toàn tỉnh có 108 đơn vị hành chính cấp xã.
Khi mới tái lập, tỉnh Bắc Kạn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Toàn tỉnh có 5 huyện, 1 thị xã và 112 xã, phường, thị trấn, trong đó 16 xã chưa có đường ô tô, 16 xã khác ô tô chỉ đến được trong mùa khô; 2 huyện và 102 xã chưa có điện lưới quốc gia, 93 xã chưa có sóng điện thoại. 36% số xã chưa đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tập tục canh tác còn lạc hậu, tỷ lệ đói, nghèo trên 50%.
Sau 28 năm nỗ lực phấn đấu, đến năm 2024, tổng sản phẩm GRDP ước đạt 9.531 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 57,4 triệu đồng. Thu ngân sách đạt trên 930 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,35%, xếp thứ 6/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 28 xã và 74 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, có 230 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 5 sao. Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên đáng kể, hơn 50% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50% năm 1997 xuống còn hơn 19% năm 2024 với mức chuẩn nghèo cao hơn, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể.
Là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc cùng những cảnh quan tươi đẹp, những năm qua việc việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng. Tỉnh Bắc Kạn có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là di sản thực hành Then người Tày Bắc Kạn trong di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam"; 20 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu là hát lượn cọi, lượn slương, hát then - đàn tính, múa bát của người Tày, hát sli của người Nùng, hát Pá dung của người Dao, nghệ thuật thêu hoa văn trang trí trên trang phục của người Dao đỏ, nghi lễ cấp sắc của người Dao tiền…
Lễ hội đường phố mang chủ đề “Bắc Kạn lung linh sắc màu” lần này với sự tham gia của 1.125 nghệ nhân, diễn viên, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên, thiếu nhi đến từ các huyện, thành phố. Chương trình là phần trình diễn, diễn xướng của các nghệ nhân, diễn viên trên sân khấu chính và các tuyến phố của thành phố Bắc Kạn, giúp nhân dân và du khách thưởng thức những nét văn hóa độc đáo, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Lễ hội đường phố “Bắc Kạn lung linh sắc màu” là dấu ấn đặc biệt chào mừng kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bắc Kạn và các ngày lễ lớn của đất nước, là bức tranh tổng thể, có chiều sâu về một vùng quê giàu bản sắc văn hóa dân tộc, với những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nét đẹp về lao động sản xuất với phong cảnh thiên nhiên độc đáo, bề dày văn hóa thấm đẫm đặc trưng...
20h08: Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu
Tham dự chương trình lễ hội có đồng chí Võ Văn Hưng, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Môi trường; Thiếu tướng Đỗ Văn Tuấn, Phó Tư lệnh Quân khu 1; Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 1, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XV; đại biểu lãnh đạo đại diện các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn…
Về phía lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc tỉnh; Mai Thế Dương, nguyên Ủy viên BCH, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn; Hà Văn Khoát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở ban, ngành đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố và đông đảo bà con Nhân dân cùng du khách thập phương.
Màn biểu diễn nghệ thuật khai từ có chủ đề "Bắc Kạn vươn mình hội nhập", với các tiết mục đặc sắc như: Giai điệu quê hương, sáng tác: Nhạc sĩ Quang Vinh; Bắc Kạn Mình đây, sáng tác: Lương Nguyên; do nam nữ nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn biểu diễn.
20h00: Các đoàn diễn diễu đã về đến sân khấu trung tâm. Chương trình tại điểm cầu chính bắt đầu.
Quảng trường Nhà Văn hóa tỉnh rực rỡ sắc màu.
19h50: Đầu cầu Quảng trường Nhà Văn hóa tỉnh không khí ngày càng "nóng". Ai cũng mong chờ đoàn rước tiến về trung tâm lễ hội. Trong khi đó, người xem hứng khởi quây kín cổ vũ, như "níu chân" khiến các đoàn rước không thể di chuyển nhanh...
19h48: Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đang tham gia các đoàn diễu diễn cùng nghệ nhân
19h40: Tại ngã tư giao đường Hùng Vương và đường Võ Nguyên Giáp, các đoàn diễn diễu dừng lại biểu diễn trong tiếng cổ vũ sôi động của người dân, du khách.
19h30: Các đoàn diễu hành đem đến cho phố phường Bắc Kạn không khí tưng bừng của ngày hội lớn.
Các xe biểu trưng và nghệ nhân, diễn viên trong trang phục rực rỡ sắc màu, âm thanh rộn rã, tiến về phía Nhà Văn hóa tỉnh.
19h10: Đầu cầu phía Nhà thi đấu Tổng Đích, các đoàn rước bắt đầu xuất phát, diễu hành dọc theo đường Hùng Vương, hướng về sân Quảng trường Nhà Văn hóa tỉnh.
Ngay lúc này, đông đảo người dân, du khách đã tề tựu tại sân Nhà thi đấu Tổng Đích và sân Quảng trường Nhà Văn hóa tỉnh, háo hức mong chờ giờ khai mạc.
Nhóm PV BKĐT
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/truc-tiep-le-hoi-carnaval-duong-pho-bac-kan-lung-linh-sac-mau-post70084.html