Lễ hội Chùa Hương 2025: An toàn, văn minh, thân thiện và lành mạnh

Lễ hội Chùa Hương 2025: An toàn, văn minh, thân thiện và lành mạnh
5 giờ trướcBài gốc
Đón hơn 8 vạn khách trước ngày khai hội
Lễ hội chùa Hương năm 2025 có chủ đề “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”, diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5. Trong đó, lễ khai hội đã được tổ chức vào ngày 3/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng), thu hút hàng nghìn lượt khách đổ về tham quan, chiêm bái.
Du khách tham quan chùa Hương
Để Lễ hội chùa Hương năm 2025 diễn ra an toàn, văn minh, thân thiện và lành mạnh, UBND huyện Mỹ Đức đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉnh trang cảnh quan, không gian lắp đặt pa-nô, bồn hoa, cây cảnh dọc tuyến đường Tỉnh lộ 419 (từ Đốc Tín đi Hương Sơn) và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến để tạo cảnh quan cho du khách về tham quan thưởng ngoạn lễ hội.
Cùng với đó, chính quyền huyện Mỹ Đức và Ban tổ chức Lễ hội cũng đã xây dựng Tuần lễ Văn hóa Du lịch truyền thống, kết hợp các tiết mục văn hóa phi vật thể và nghệ thuật dân gian truyền thống, cùng các trò chơi dân gian vào chương trình, nhằm nâng cao giá trị văn hóa của lễ hội.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: “So với các năm trước, Lễ hội chùa Hương năm nay đã chỉn chu, quy củ hơn về vệ sinh môi trường, hàng quán, dịch vụ để đảm bảo thiết chế văn hóa được tốt hơn. Trong 4 ngày (từ mồng 3 - 6 Tết Nguyên Đán Ất Tỵ), chùa Hương đã đón khoảng 8 vạn lượt khách.”
Ông Đặng Văn Triều (bìa trái), Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức
Ông Triều cũng khẳng định, trong năm nay tình trạng chèo kéo khách, xin tiền đi đò đã không còn. Hiện tại, UBND huyện đang phối hợp cùng các sở, ban ngành để thực hiện chủ trương quy hoạch chùa Hương theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (đầu tư xây dựng bến bãi giúp mọi người thuận tiện hơn trong việc di chuyển bằng đường thủy, nâng cao chất lượng phục vụ đò, thuyền, đảm bảo an toàn cho du khách).
Nâng cao chất lượng dịch vụ, không để tái diễn hình ảnh phản cảm
Điểm đổi mới nổi bật của Lễ hội chùa Hương 2025 là mỗi lái đò có mã QR code tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách.
Ông Bùi Văn Triều, Trưởng ban Quản lý khu di tích chùa Hương cho biết, Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương đã được giao nhiệm vụ xây dựng phương án đưa công nghệ số vào quản lý, sử dụng mã QR để đánh giá sự hài lòng của du khách cũng như tiếp nhận ý kiến phản ánh, từ đó có những điều chỉnh kịp thời.
Ông Bùi Văn Triều, Trưởng ban Quản lý khu di tích chùa Hương
“Mỗi xã viên lái đò có một mã QR để Hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách. Thời gian phục vụ du khách bằng thuyền đò bắt đầu từ 4h30 đến 20h hàng ngày. Đối với những trường hợp làm phiền du khách như vòi vĩnh hay các hành vi không đúng mực, Ban quản lý sẽ xử lý nghiêm, nhắc nhở và cam kết sẽ lập biên bản, xử lý nếu cần thiết. Đến nay, chưa gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào và đã có các biện pháp nhắc nhở các nhân viên và chủ phương tiện để bảo vệ quyền lợi du khách”, ông Triều thông tin thêm.
Cũng theo Trưởng ban Quản lý khu di tích chùa Hương, Ban tổ chức đã tích hợp vé tham quan thắng cảnh và vé xuồng đò, tạo sự tiện lợi và minh bạch trong dịch vụ. Các bến, bãi đỗ xe được quy hoạch chặt chẽ... Công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông, và phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường khu thắng cảnh tiếp tục được siết chặt, đảm bảo môi trường lễ hội an toàn và thân thiện.
Về giá dịch vụ, giá vé tham quan thắng cảnh không thay đổi so với năm 2024, vẫn là 120.000 đồng, trong khi giá vé đò thuyền tăng từ 85.000 lên 110.000 đồng, đi kèm với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông thủy, có ô che, nước uống miễn phí và tiếp nhận phản ánh từ du khách để cải thiện dịch vụ”, ông Triều cho biết thêm.
Đối với dịch vụ vận chuyển bằng cáp treo từ chùa Thiên Trù đi động Hương Tích vé khứ hồi là 260.000 đồng/người lớn, 180.000 đồng/trẻ em và người được ưu tiên. Giá đi một lượt là 180.000 đồng/người lớn, 120.000 đồng/trẻ em và người ưu tiên. Giá vé vận chuyển bằng xe điện từ bãi gửi xe đến bến đò là 20.000 đồng/người/lượt.
“Về cáp treo, lượng khách sử dụng dịch vụ này chiếm khoảng 60-70% tổng số khách tham quan mỗi ngày. Vì vậy, chúng tôi đã lên phương án điều tiết lượng khách ngay từ bến đò để tránh ùn tắc và đảm bảo sự an toàn và thuận tiện cho du khách trong suốt quá trình tham quan”, ông Triều nói.
Du khách đi cáp treo tại chùa Hương
Bà Phạm Thị Suốt (68 tuổi) là du khách đến từ Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết, mỗi dịp đầu xuân năm mới gia đình bà đều cùng nhau đi vãn cảnh, chiêm bái đền chùa. Năm nay 6 người trong gia đình bà chọn tham quan chùa Hương sau khai hội 1 ngày. “Năm nay không có tình trạng chen lấn, xô đẩy hay chèo kéo khách. Gia đình tôi đầu tiên đi đền Trình để dâng lễ, xong đến Chùa Thiên Trù rồi đến tham quan động Hương Tích”, bà Suốt cho hay.
Du khách đi đò tại suối Yến
Cũng tham quan chùa Hương sau khai hội một ngày, chị Thái Linh (trú tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Việc phân luồng giao thông từ xa, điều tiết xe điện đưa đón du khách nên không còn tình trạng ùn ứ giao thông như những năm trước. Dọc khu vực bến Yến, lối lên xuống đò đã được tổ chức bài bản, có cửa quét vé tự động kết hợp nhân viên hướng dẫn. Dịch vụ xuồng, đò năm nay cũng được đổi mới hoàn toàn, áo phao, nước uống, ô che… đầy đủ nên du khách cảm thấy hoan hỷ trong ngày lễ hội đầu xuân.
Từ những nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đến áp dụng công nghệ thống tin vào quản lý, chuyển đổi số; thay đổi cung cách phục vụ của từng người lái đò đã góp phần vào thành công của lễ hội chùa Hương 2025 với chủ đề “Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt”, qua đó góp phần đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô vươn mình phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch chùa Hương sẽ trở thành khu du lịch cấp quốc gia.
Huyện Mỹ Đức hiện có 282 di tích. Trong đó có 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 92 di tích xếp hạng cấp thành phố; 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 60 di sản văn hóa phi vật thể cấp thành phố, 67 lễ hội truyền thống và nhiều di sản văn hóa phi vật thể mang giá trị đặc sắc, tiêu biểu như: Du lịch văn hóa Lễ hội chùa Hương, Lễ hội đôi dân Văn Giang - Nam Dương; nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối cạn Tế Tiêu, cồng chiêng An Phú… Hương Sơn (Chùa Hương) là một quần thể di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Quần thể di tích Hương Sơn gồm hệ thống hang động, đền chùa. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với động Hương Tích, Hinh Bồng, chùa Thiên Trù, Thanh Sơn, Tuyết Sơn… xen lẫn với rừng núi, hoa lá cỏ cây mà còn được tôn vinh bởi Hương Sơn nằm trong cái nôi văn hóa đặc sắc, với các phong tục, nếp sống sinh hoạt đặc trưng của làng quê Việt Nam, có giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa, tâm linh và du lịch, với 21 điểm di tích có động, có đền, có chùa, có suối, có non, có đồng, có bãi… Mỗi điểm di tích là một di sản văn hóa Phật giáo vô giá... Với những giá trị đó, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận quần thể thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 24/9/2024, UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận quần thể Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) là khu du lịch cấp thành phố... Để xứng tầm khu du lịch cấp thành phố, huyện Mỹ Đức đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới cách quản lý bến bãi gửi xe, xuồng đò; sắp xếp lại mặt bằng dịch vụ; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ và nhân dân tham gia phục vụ cũng như điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian mang bản sắc truyền thống để tuyên truyền, quảng bá phục vụ du khách khi về với đất Phật - chùa Hương.
PV
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/le-hoi-chua-huong-2025-an-toan-van-minh-than-thien-va-lanh-manh-post333153.html