Lễ hội Cơm mới - Lối dẫn về cội nguồn, gốc rễ

Lễ hội Cơm mới - Lối dẫn về cội nguồn, gốc rễ
7 giờ trướcBài gốc
Thạch Bình là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, là nơi sinh sống của đồng bào Mường với những nét văn hóa riêng. Theo các bậc cao niên trong vùng, vào khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 16, một số dòng họ của người Mường từ tỉnh Hòa Bình di cư đến vùng đất Thạch Bình như: họ Bùi, họ Quách, họ Đinh. Một số dòng họ từ các địa phương khác đã tụ hội về xã Thạch Bình để khai phá, làm ăn sinh sống.
Những năm qua, xã Thạch Bình đã làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa, bản sắc truyền thống lâu đời của người Mường xã Thạch Bình.
Điển hình như các hình thức trình diễn dân gian (Hát sắc bùa) vào ngày Tết nguyên đán, cầu chúc cho gia đình năm mới gặp nhiều may mắn; hát giao duyên (Bọ Meẹng) là hình thức hát đối đáp bằng tiếng Mường giữa các thanh niên nam-nữ; những ngày hội, ngày Tết, các cụ già tổ chức thi hát ứng xử-hát Rằng Xường…
Cùng với đó, các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào hàng năm đều được tổ chức từ xã đến thôn như: đánh mảng, ném còn, chơi đu, bắn nỏ, đi cà kheo… đã thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Đặc biệt, cộng đồng người Mường ở xã Thạch Bình vẫn duy trì và bảo tồn được các nghi lễ tín ngưỡng và lễ hội truyền thống như: Lễ Khai hạ, Lễ Mừng cơm mới, Mo tang ma, Lễ cúng vía…
Trong đó, xuyên suốt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ và thờ các vị thánh, vua, thần, phật ở Mường trời trên cao nhất.
Người Mường quan niệm, tuy thể xác không còn nhưng linh hồn của ông bà, tổ tiên đã nhập thế và chuyển hóa vào thế giới khác như Mường trời. Họ sẽ biến thành các vị thần, thánh, trở thành sức mạnh siêu nhiên như các đấng thần linh, đức phật, bụt, thánh mẫu, chúa Thôn, chúa Mường để che chở cho người dân và làng thôn.
Lễ hội Cơm mới là lễ hội truyền thống của người Mường có nguồn gốc từ lâu đời. Người Mường ở xã Thạch Bình nói riêng, huyện Nho Quan nói chung đều duy trì và tổ chức Lễ hội Cơm mới hàng năm vào dịp đầu tháng 10 hoặc rằm tháng 10 tùy theo từng dòng họ, từng thôn.
Với ý nghĩa tốt đẹp của truyền thống văn hóa đó, hàng năm, đồng bào dân tộc Mường ở xã Thạch Bình vẫn duy trì tổ chức lễ cúng cơm mới ở gia đình, dòng họ, thôn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế-xã hội của đồng bào còn nhiều khó khăn, nên một số nghi lễ truyền thống trong Lễ hội Cơm mới chưa được bảo tồn nguyên vẹn, có chiều hướng bị mai một.
Đồng chí Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan, UBND xã Thạch Bình đã được lựa chọn để tổ chức phục dựng lại Lễ hội Cơm mới truyền thống của dân tộc Mường.
Sau thời gian nghiên cứu, sưu tầm, đến nay các nghi thức truyền thống trong Lễ hội đã hoàn thiện và chính thức được tổ chức phục dựng nhằm tái hiện một cách trọn vẹn Lễ hội Cơm mới trong đời sống tinh thần của người Mường, xã Thạch Bình.
Với việc phục dựng đầy đủ các nghi thức cổ trong Lễ hội Cơm mới giúp thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về truyền thống của dân tộc mình.
Trình diễn sàng, sảy gạo chuẩn bị cho Lễ hội Cơm mới.
Bà Bùi Thị Min là người Mường gốc Hòa Bình, về làm dâu thôn Đầm Rừng (Thạch Bình) từ vài chục năm về trước. Ở tuổi 68, người phụ nữ ấy vẫn ánh lên niềm vui thơ trẻ khi được tham gia vào các trò chơi dân gian trong ngày Lễ hội Cơm mới. Bà Min bảo, đã là phong tục rồi, năm nào địa phương cũng tổ chức hội mừng cơm mới. Nhưng năm nay Lễ hội được tổ chức bài bản, đầy đủ các nghi lễ cổ truyền.
“Đặc biệt, sau phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian như ném còn, đi cà kheo, đẩy gậy… những trò chơi tưởng dễ, nhưng thực hiện thành công thì đòi hỏi sự kiên trì, dẻo dai và kỹ năng khéo léo. Đây là những trò chơi vừa mang tính giải trí tinh thần, vừa là cách rèn luyện sức khỏe của đồng bào Mường từ thuở xa xưa. Cũng thông qua các trò chơi này giúp tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư”- Bà Min phấn khởi nói.
Xã Kỳ Phú cũng là địa phương đã phục dựng thành công Lễ hội Cơm mới vào năm 2023. Ông Đinh Xuân Khuông, người uy tín của bản Sau chia sẻ: Lễ hội Cơm mới được coi là một trong những nghi lễ đặc trưng của người Mường được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm.
Người Mường quan niệm rằng khi mùa màng thu hoạch xong thì bát cơm bằng gạo mới phải mời tổ tiên, trời đất, thần thánh vì có tổ mới có ta, có trời đất mới có mùa màng thuận hòa, có thần thánh mới bảo vệ được con người khỏe mạnh để làm ăn.
Với người Mường tại xã Kỳ Phú, Lễ hội Cơm mới không chỉ là một lễ thức mang tính chất gia đình mà còn mang tính chất cộng đồng, được thực hành tại các phủ trong từng bản.
Sau khi người Mường tổ chức lễ Cơm mới tại từng gia đình, các hộ sẽ đem lễ vật gồm một lễ chay và một lễ mặn lên phủ của bản mình để dâng cúng thần linh, tạ ơn thần cai quản bản làng được một mùa vụ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đặc biệt, người Mường tại các bản: Cả, Ao, Sau (nhóm Mường Kỳ Lão) của xã Kỳ Phú còn có nghi lễ “Vui mừng khánh tán” được tổ chức 3 năm một lần. Sau khi hoàn thành nghi lễ cúng cơm mới tại gia đình, vào các năm không tổ chức hội lớn là “Vui mừng khánh tán”. Bà con trong ba bản: Cả, Ao và Sau đều đem lễ vật lên phủ, đền riêng của từng bản mình dâng cúng và báo cáo thần linh rồi tán lộc, liên hoan ngay tại phủ. Cứ trong vòng 3 năm, các bản Mường Kỳ Lão sẽ cùng họp và thống nhất để tổ chức rước kiệu mừng lúa mới. “Vui mừng khánh tán” có nghĩa là chúc mừng cho mùa vụ đã hoàn thành tốt đẹp.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú khẳng định, những di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội Cơm mới rất cần được bảo vệ, gìn giữ, để tạo nên nét đặc trưng văn hóa riêng biệt của địa phương và tộc người.
Lễ hội Cơm mới được phục dựng nguyên bản sẽ là cây cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, để những thế hệ con cháu người Mường sau này sẽ hiểu đầy đủ về cội nguồn, gốc rễ, về vùng đất nuôi mình khôn lớn.
Biểu diễn cồng chiêng trong Lễ hội.
Lễ hội Cơm mới không chỉ thể hiện những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Mường ở Nho Quan mà thông qua đó còn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đồng bào các dân tộc trong xã, huyện cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.
Đây cũng là dịp để tôn vinh văn hóa truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh khai thác tiềm năng của văn hóa cội nguồn, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Thu Hằng
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/le-hoi-com-moi-loi-dan-ve-coi-nguon-goc-re-655862.htm