Lễ hội Gióng huyện Gia Lâm - 'Viên ngọc' ngày càng tỏa sáng

Lễ hội Gióng huyện Gia Lâm - 'Viên ngọc' ngày càng tỏa sáng
6 giờ trướcBài gốc
Tối 4/5, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2025; kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2010 – 2025).
Đến dự có Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nông Quốc Thành; Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam - ông Jonathan Baker; cùng đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành và các sở, ban, ngành, quận, huyện của Hà Nội; lãnh đạo huyện Gia Lâm.
Các đại biểu dự buổi lễ.
Tự hào hội Gióng
Trình bày diễn văn khai mạc lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học khẳng định: Câu chuyện về cậu bé làng Gióng, xã Phù Đổng từ lâu đã in đậm trong tâm trí người dân Việt Nam như một biểu tượng về lòng hiếu thảo, về tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi.
Truyền thuyết kể rằng, vào thời Hùng Vương thứ 6, một cậu bé được sinh ra ở làng Gióng, xã Phù Đổng có khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú nhưng lên ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. Vậy mà khi nghe thấy tiếng rao của sứ giả truyền lời kêu gọi của nhà vua tìm người tài giỏi ra cầm quân đánh giặc giúp nước, cậu bé Gióng bỗng thoắt nói, thoắt cười thưa với mẹ mời sứ giả vào, rồi đề nghị sứ giả về tâu với vua sắm cho 1 con ngựa sắt, 1 cái roi sắt, 1 bộ giáp sắt và 1 cái nón sắt để cầm quân đi đánh giặc…
Sau khi ăn hết “7 nong cơm, 3 nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông”, Gióng vươn vai trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt nhảy lên mình ngựa, ngựa hét ra lửa rồi phi thẳng đến nơi có giặc. Trong khi đang đánh giặc, roi sắt bị gãy, Gióng nhổ cả bụi tre bên đường quất vào giặc. Giặc tan, Gióng lên núi Sóc Sơn quay đầu về lạy mẹ rồi cả người và ngựa từ từ bay lên trời.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học trình bày diễn văn khai mạc lễ hội.
Để ghi nhớ công ơn, triều đình đã phong Ngài là “Phù Đổng Thiên Vương”, mẹ Gióng là “Thánh mẫu Bảo vương”, cho lập đền thờ tại quê nhà. Hội Gióng được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ công đức của Phù Đổng Thiên Vương - Thánh Gióng.
Là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn mô tả toàn bộ các trận đánh của Thánh Gióng nên hội Gióng ở Phù Đổng được các nhà nghiên cứu đánh giá là: “Một trong những lễ hội kỳ thú nhất và cổ nhất. Đó cũng là lễ hội được người ta biết đến nhiều nhất, có tính đại chúng nhất”. Từ ngàn năm qua, hội Gióng đền Phù Đổng đã được cộng đồng Nhân dân địa phương lưu giữ, bảo vệ và thực hành như một phần máu thịt của mình. Nghi thức chính của hội Gióng được tập trung tổ chức tại các địa điểm thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, bao gồm 10 địa điểm liên quan.
Phù Đổng vươn mình
Những năm qua, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng thương hiệu làng nghề cây cảnh - hoa giấy, duy trì các tiêu chí là một trong 7 xã của huyện Gia Lâm được TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, xã Phù Đổng đã và đang đổi thay từng ngày. Việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu được đặc biệt quan tâm, hiện thực hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đề án thiết thực, hiệu quả.
Lãnh đạo huyện Gia Lâm trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy giá trị hội Gióng.
Sau 15 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghi thức hội Gióng ở đền Phù Đổng vẫn được cộng đồng bảo tồn nguyên giá trị; người đi trước hướng dẫn cho đội ngũ kế cận đi sau, ông bà bố mẹ truyền dạy cho con cháu... Hội Gióng được duy trì tổ chức hằng năm với quy mô hội lệ gồm các vai chính; và cứ 5 năm 1 lần, hội được tổ chức với quy mô hội chính, bao gồm đầy đủ các vai diễn.
Cùng với sự bảo tồn về mặt nghi lễ, hội Gióng luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo, đầu tư của các cấp, ngành và cộng đồng thực hành di sản nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Thực hiện các Chương trình, Đề án, Kế hoạch của TP về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết 09 của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, các nghị quyết văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện; UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn” giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021-2025, ban hành 09 Kế hoạch thực hiện, nhằm bảo tồn hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn huyện, trong đó có hội Gióng đền Phù Đổng.
Phối hợp lập hồ sơ nâng cấp xếp hạng đối với khu Di tích lịch sử Phù Đổng từ Di tích cấp Quốc gia thành Di tích Quốc gia đặc biệt. Phối hợp tiến hành ghi hình nhằm tư liệu hóa diễn trình hội Gióng; cập nhật thông tin giới thiệu Di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, hội Gióng trên App Gia Lâm bằng 2 thứ tiếng (Tiếng Anh và Tiếng Việt); bảng giới thiệu về các địa điểm Di tích Quốc gia đặc biệt và lễ hội có gắn mã QR Code để tại những nơi dễ nhận diện cho người dân và khách du lịch. Chỉ đạo biên soạn và phát hành các ấn phẩm giới thiệu các di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử, văn hóa của huyện, trong đó có đền Phù Đổng và lễ hội Gióng. Thực hiện giới thiệu, quảng bá nét đẹp Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại qua các sự kiện văn hóa của TP và cả nước.
Trình diễn các vai chính tham gia lễ hội.
Hoạt động giáo dục di sản hội Gióng trong trường học cũng được quan tâm đẩy mạnh. Các trường học tại Phù Đổng bố trí các tiết học giảng dạy về lịch sử quê hương, tổ chức hội thi tuyên truyền tìm hiểu về lịch sử, sự tích Thánh Gióng, cụm di tích đền Phù Đổng và hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ban quản lý đền Phù Đổng thường xuyên phối hợp với các trường học tổ chức tham quan, tuyên truyền, giảng dạy và giới thiệu về Di tích đền Phù Đổng và hội Gióng cho học sinh, sinh viên…
Đặc biệt, được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương và TP, sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn, giai đoạn vừa qua, huyện Gia Lâm đã đầu tư tu bổ, tôn tạo không gian văn hóa của Di sản hội Gióng, các địa điểm thuộc khu Di tích Quốc gia đặc biệt Phù Đổng được tôn tạo khang trang với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng.
Trường tồn cùng văn hóa dân tộc
Thời điểm này, huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng cùng cả nước đang trong giai đoạn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo chỉ đạo của Trung ương và TP. Theo Nghị quyết đã được HĐND TP thông qua, toàn bộ các xã khu vực Bắc Đuống và thị trấn Yên Viên của huyện sẽ sáp nhập thành đơn vị hành chính mới với tên gọi là xã Phù Đổng - một trong những tên gọi đã đi vào lịch sử của vùng đất cổ Gia Lâm, nơi sinh ra đức Thánh Gióng gắn liền với những di tích, lễ hội đặc sắc đã được Việt Nam và quốc tế công nhận.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ khai mạc.
Cùng với sự chỉ đạo quan tâm của Trung ương, TP, của UNESCO trong việc bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị của di sản văn hóa hội Gióng, xã Phù Đổng mới với tiềm năng, thế mạnh, nguồn tài nguyên di sản văn hóa, làng nghề cây cảnh - hoa giấy sẽ tạo ra không gian phát triển mới, sẵn sàng với tâm thế bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đồng thời sẽ trở thành một điểm du lịch văn hóa thu hút đông đảo Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện UNESCO tại Việt Nam – ông Jonathan Baker đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương đã luôn cam kết bảo vệ và phát huy truyền thống quý giá của hội Gióng. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta hãy cùng kỷ niệm hành trình 15 năm như một lời kêu gọi: bảo vệ và phát huy di sản, đồng hành với các cộng đồng đang nỗ lực trao truyền di sản và lan tỏa vẻ đẹp, ý nghĩa của di sản với cộng đồng quốc tế".
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ khai mạc.
Hội Gióng đền Phù Đổng năm 2025 gắn với hoạt động kỷ niệm 15 năm UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại diễn ra từ ngày 28/4/2025 đến ngày 7/5/2025 (tức ngày mùng 01 đến ngày 10 tháng tư năm Ất Tỵ).
Hoàng Quyết
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/le-hoi-giong-huyen-gia-lam-vien-ngoc-ngay-cang-toa-sang.693743.html