Phần lễ bắt đầu bằng nghi thức đưa Sắc Thần du ngoạn, tiếp tới lễ Tế Sơn Quân, Tế Ðinh Công Chánh Tôn Thần, Thay Khăn Sắc Thần, Túc Yết, Xây Chầu Ðại Bội, Tế Thần Nông, Chánh Tế… Các nghi lễ được thực hiện theo đúng cổ lệ.
Nghi thức thỉnh Sắc Thần tại đình Bình Thủy.
Đình Bình Thủy (Long Tuyền Cổ Miếu) là công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam Bộ. Đình được xây dựng vào năm 1844 và được vua Tự Đức phê sắc phong thần cho làng là Bổn Cảnh Thành Hoàng vào ngày 29/11 năm Nhâm Tý (1852).
Sau nhiều lần trùng tu sửa chữa, đầu thế kỷ XX, nhân dân cất lại đình như hiện nay ngay tại vàm Bình Thủy bằng gạch ngói và hoàn thành năm 1910. Đến năm 1989, Đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ngôi đình có bề dày lịch sử về văn hóa tâm linh và kiến trúc độc đáo của miền Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Long xa phụng tán đưa Sắc Thần du ngoạn.
Hàng năm, tại Đình Bình Thủy, Đình còn có 2 kỳ lễ hội lớn được tổ chức long trọng: Lễ Kỳ Yên Thượng Điền và lễ Kỳ Yên Hạ Điền. Vào các ngày này, dân làng mở lễ hội đình để tưởng niệm công tích của các vị thần, các bậc tiền nhân mở đất, các anh hùng dân tộc. Ngày lễ hội của người dân Bình Thủy, tổ chức các trò chơi ở làng, diễn hội làng, hát bội, hát cải lương với những tuồng tích xưa…
Nghi thức thay khăn Sắc thần.
Lễ hội này là nét văn hóa đặc trưng của các bậc tiền nhân để lại khi xây dựng xóm làng, lập ấp tại vùng đất Bình Thủy, được truyền từ nhiều thế hệ đến ngày nay và đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đặc biệt năm 2024, hình ảnh Đình Bình Thủy được Bộ Thông tin và truyền thông (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định đưa vào Chương trình đề tài tem bưu chính năm 2025.
Nghi thức đưa Sắc thần đi du ngoạn.
Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền - Đình Bình Thủy năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 9-11/5 (nhằm ngày 12-14/4 âm lịch). Trong dịp này, diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao.
Ông Lê Phước Lợi - Phó chủ tịch UBND quận Bình Thủy - cho biết Đình Bình Thủy minh chứng quan trọng về lịch sử định cư của người Việt trên vùng đất này. Nghi lễ Kỳ Yên góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng về cuộc sống bình yên, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của cư dân gốc nông nghiệp lúa nước, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an...
Lễ hội Kỳ Yên Đình Bình Thủy còn thể hiện đậm nét truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Nhân dân qua bao thế hệ. Bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa tinh thần của cha ông cho thế hệ kế thừa...
Hoạt động ca hát tại lễ hội.
Hòa Hội