Lễ hội 'rước người' ở vùng đảo Hà Nam, Quảng Ninh

Lễ hội 'rước người' ở vùng đảo Hà Nam, Quảng Ninh
36 phút trướcBài gốc
Lễ hội Tiên Công 2025 (Quảng Yên, Quảng Ninh) diễn ra từ 2-4/2 (tức mùng 5-7 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Thời điểm chính hội ngày mùng 7 tháng Giêng năm nay đã có hơn 100 cụ đến tuổi thượng thọ tròn 80, 90 và 100 tuổi dẫn lễ lên miếu Tiên Công, nơi thờ 17 vị Thành hoàng làng đã có công quai đê, lấn biển, lập làng, lập xóm từ đầu thế kỷ XV.
Các cụ cao niên trong vùng kể lại rằng: Đầu thế kỷ XV, 17 vị Tiên Công mở đất đã vượt qua bao khó khăn, vất vả để quai đê, lấn biển, lập ấp, dựng làng. Người dân vùng đảo Hà Nam luôn tri ân tiên tổ đã đổ bao mồ hôi và cả xương máu giữ đất. Họ cũng quan niệm rằng sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên phải chống chọi với thiên tai giông bão nên có được sự trường thọ là vô cùng quý báu. Bởi thế, khi các Cụ thọ 80, 90, 100 tuổi sẽ được dòng họ và gia đình tổ chức rước lên miếu Tiên Công cáo yết Tổ tiên, xem đây như là một phúc lớn của gia tộc, dòng họ. Trong ảnh: Công tác Chuẩn bị rước tập thể các cụ Thượng của xã Phong Hải.
Không gian tổ chức lễ hội trên địa bàn 4 phường: Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải và Cẩm La. Đây cũng là lễ hội lớn nhất vùng đảo Hà Nam vào dịp đầu xuân nhằm tri ân công đức 17 vị Tiên Công khai hoang mở đất, lập nên vùng đảo trù phú ngày nay.
Nét mới của lễ hội Tiên Công năm nay là phần lớn các gia đình cùng nhau làm nghi thức rước tập thể thay vì rước cá nhân như nhiều năm về trước.
Hình ảnh đẹp nhất và được mong đợi nhiều nhất của lễ hội là các cụ Thượng tròn 80, 90, 100 tuổi được rước trên kiệu rồng, võng đào, diễu hành trang trọng qua các con đường làng trong không khí rộn ràng của trống hội và sự hân hoan của bao thế hệ con cháu.
Cụ Bùi Thị Gỏng (làng Yên Đông, phường Yên Hải), tròn 100 tuổi được con cháu rước lên miếu Tiên Công vào chính hội mùng 7 Tết Ất Tỵ.
Ông Vũ Văn Đạm và bà Phạm Thị Biên, song thọ 80 tuổi. Ông Vũ Văn Đạm chia sẻ muốn sống thọ cần rèn luyện sức khỏe, phải thể dục thể thao, thứ hai là chế độ ăn uống phù hợp với tuổi già và cũng phải năng động về suy nghĩ để nâng cao hiểu biết.
Các đoàn rước tập thể tổ chức theo các phường, xã lần lượt tiến vào Miếu, dâng lễ phẩm, hương hoa và bái lạy các Tiên Công.
Lễ phẩm là nông sản địa phương, bánh dày, trầu cau, hoa quả và đặc biệt không thể thiếu thủ lợn hoặc lợn quay
Cụ Thượng thọ 100 tuổi sẽ mặc áo vàng, biểu tượng cho sự trường thọ và kính trọng tuyệt đối của con cháu. Cụ 90 tuổi mặc áo đỏ, thể hiện sự may mắn, sức khỏe dồi dào, phúc lộc.
Cụ 80 tuổi mặc áo xanh, tượng trưng cho sự thanh cao và bền bỉ.
Mỗi độ Xuân về, con cháu muôn nơi lại nô nức tìm về quê hương, cùng nhau thắp nén hương thơm, dâng cúng lễ vật lên các bậc tiên tổ, cùng nhau tổ chức mừng thọ ông bà, bố mẹ,... Đây là nét đẹp truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam.
Lễ hội Tiên Công, lễ hội "rước người" ở vùng đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2017. Lễ hội như một "điểm hẹn" của nét đẹp văn hóa "cây có cội, nước có nguồn" của dân tộc Việt Nam dịp xuân mới về.
Vũ Miền/VOV-Đông Bắc
Nguồn VOV : https://vov.vn/van-hoa/le-hoi-ruoc-nguoi-o-vung-dao-ha-nam-quang-ninh-post1152613.vov