Lễ hội Thắk-kôn được tổ chức định kỳ hằng năm, diễn ra trong 3 ngày, 3 đêm, bắt đầu từ ngày pinh-bôr khe-cheth đến ngày 2 rốch khe-cheth (tính theo lịch của người Khmer), nhằm ngày 15, 16 và 17 tháng 3 âm lịch, tại Salatel Thắk-kôn, thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Lễ hội Thắk-kôn không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà còn là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng có từ lâu đời của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng. Đây là dịp để người dân trong vùng tỏ lòng thành kính đến các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, mở cõi, tạo lập vùng đất, tạ ơn trời đất cho họ có được cuộc sống ấm no, những cánh đồng xanh, hạt vàng nặng trĩu. Qua đó, cũng là dịp tái hiện ý thức tình cảm của con người hướng về cội nguồn, thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, cầu mong một mùa mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống an lành.
Đông đảo người dân và du khách gần xa đến dâng vật phẩm, sla-thor-đône cúng tại miếu Thắk-kôn. Ảnh: THẠCH PÍCH
Cô Lâm Thị Tróp - thành viên Ban Quản trị Salatel Thắk-kôn cho biết: “Trước và trong những ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi chuẩn bị trang trí, vệ sinh nơi tổ chức, tiếp đón quý khách gần xa đến cúng bái, cầu an. Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức lễ truyền thống, trang trọng, duy trì như lễ cầu an. Buổi sáng, bà con phật tử dâng cơm đến các vị chư tăng; buổi tối, thỉnh các vị chư tăng tụng kinh, làm nghi thức lễ cầu siêu, cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa và sau đó thỉnh các vị sư thuyết pháp cho bà con phật tử nghe về giáo lý nhà Phật”.
Lễ hội Thắk-kôn cũng là một nghi thức cúng cầu an độc đáo của cộng đồng người Khmer Nam Bộ với những lễ vật mang đậm màu sắc bản địa như trầu cau, hoa sen và trái dừa. Những trái dừa tươi được người dân vạc hai mặt, rồi cắm vào đó gọi là sla-thor-đône.
Bà Thạch Thị Kha hơn 30 năm hành nghề bán sla-thor-đône gần khu hành lễ chia sẻ: “Ngày thường chúng tôi bán cho du khách và bà con đến dâng cúng được vài chục cặp sla-thor-đône. Đến khi vào ngày lễ hội, trung bình gia đình tôi bán được khoảng hơn 300 cặp sla-thor-đône, với giá 40.000 đồng/cặp. Sau khi cúng xong, người dân có thể xin lộc đem về nhà cùng với lễ vật Sla-thor-đône trưng trên bàn thờ Phật”.
Ngoài phần lễ còn có phần hội, hằng đêm có Đoàn Nghệ thuật quần chúng Pra Sath Kong, đội Chhăy-dăm, đội nhạc ngũ âm... đến biểu diễn phục vụ bà con xen với những hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội.
Ông Danh Bung - Trưởng Ban Quản trị Salatel Thắk-kôn cho biết: “Thắk-kôn là cách gọi theo tiếng Khmer của người dân trong vùng. Thắk nghĩa là “đạp”, còn kôn là “cồng”. Ngoài ra, tên gọi này còn có thể gọi là Lễ hội cúng dừa, vì đa số người dân đến đây tham gia hành lễ thường chủ yếu là cúng những sla-thor-đône (làm bằng trái dừa tươi). Trong những ngày diễn ra lễ hội, tất cả những nghi thức trong lễ hội phản ánh một niềm tin tuyệt đối của cư dân vùng đất có chiếc “cồng vàng” trong truyền thuyết đối với một biểu tượng văn hóa độc nhất. Việc tổ chức Lễ hội Thắk-kôn, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi với niềm tin gửi gắm tuyệt đối vào Kru Kôn, hay ông Kôn”.
Lễ hội Thắk-kôn không chỉ là nghi lễ tôn giáo mà còn là một minh chứng sống động cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Khmer tại Sóc Trăng. Giữa nhịp sống hiện đại, lễ hội như một nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, giúp gìn giữ những giá trị truyền thống, nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng và làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam. Đến với lễ hội Thắk-kôn, người ta không chỉ tìm thấy sự bình an trong tâm hồn, mà còn cảm nhận được vẻ đẹp sâu sắc của một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
THẠCH PÍCH