Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc: Chuyện bây giờ mới kể

Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc: Chuyện bây giờ mới kể
16 giờ trướcBài gốc
Trong những ngày cuối năm bận rộn, chúng tôi có cơ hội được trò chuyện cùng Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú và được ông chia sẻ về một trong những dấu ấn thành công trong hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 – đó là câu chuyện về lần đầu Việt Nam tổ chức Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Những kỷ niệm khó quên
Thưa ông, ông có thể kể lại những điều đáng nhớ về việc lần đầu tiên Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức thành công một lễ hội trái cây tầm cỡ của Việt Nam tại nước ngoài?
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú
Trung Quốc là thị trường rộng lớn mà trái cây Việt Nam hướng tới. Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Hoạt động thương mại của Việt Nam và Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng cao, tuy nhiên, trong thời gian qua, trái cây Việt Nam phần nhiều còn xuất khẩu qua đường biên mậu, tiểu ngạch và chỉ hiện diện ở các tỉnh giáp biên giới Việt-Trung. Để phát triển xuất khẩu bền vững vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu trái cây Việt Nam cần chuyển mạnh sang chính ngạch kết hợp với quảng bá về hình ảnh và thương hiệu. Trước thực tế này, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các cơ quan ban ngành rất đau đáu, trăn trở làm sao để đưa nông sản Việt chinh phục được thị trường tỷ dân này.
Và điều đặc biệt, nhân dịp Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Công Thương đã quyết định phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức Triển lãm Lễ hội trái cây Việt Nam 2024 (Vietnam Fruit Festival 2024).
Vượt qua nhiều khó khăn, thời gian gấp gáp, lại là lần đầu tổ chức một sự kiện trái cây lớn tại nước ngoài, song với nhiều nỗ lực, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt từ 2 đồng chí Bộ trưởng, ngày 29/9/2024 Triển lãm Lễ hội trái cây Việt Nam 2024 tại Bắc Kinh chính thức được nhấn nút khai mạc.
Quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trái cây tiêu biểu
Triển lãm Lễ hội trái cây Việt Nam 2024 đã cho thấy sự công phu, quy mô với thông điệp hết sức ý nghĩa “Việt Nam Thủy quả – Tứ quý mỹ vị”, ông có thể chia sẻ về thông điệp này?
Trái cây Việt Nam vốn nức tiếng từ lâu khắp thế giới về hương vị thơm ngon đặc sắc do sự đa dạng, phong phú về khí hậu, thổ nhưỡng. Thậm chí, ở thị trường Trung Quốc, nhiều trái cây nhiệt đới đặc sản của Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng vẫn chưa được mang thương hiệu Việt Nam.
Sau rất nhiều suy tính, cân nhắc, chúng tôi đã lựa chọn thông điệp để quảng bá trái cây Việt Nam tại thủ đô quốc gia trên 1,4 tỷ dân lần này là “Trái cây Việt Nam – Bốn mùa thơm ngon” (phiên âm Hán Việt là: Việt Nam Thủy quả – Tứ quý mỹ vị”) với dụng ý về đẳng cấp trái cây Việt Nam bốn mùa thơm ngon, có khẩu vị, hương vị đặc trưng so với những loại trái cây không được trồng ở khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù như ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cùng đại diện phía Trung Quốc tham quan gian hàng tại Lễ hội trái cây tại Bắc Kinh Trung Quốc. Ảnh: Nguyên Minh
Với chủ đề “Trái cây Việt Nam – Bốn mùa thơm ngon”, Lễ hội là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng với thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng củ, quả tươi và sản phẩm chế biến từ củ, quả đã được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên một lễ hội trái cây tầm cỡ được tổ chức tại nước ngoài, với sự tham gia rất tích cực của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam cũng như các hiệp hội chuyên ngành nông sản, nhà nhập khẩu, cung tiêu của Trung Quốc.
Lễ hội quy tụ 21 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày, giới thiệu và phục vụ trải nghiệm sản phẩm trong khu vực có diện tích trên 300m2, bố trí 13 đảo trưng bày sản phẩm chuyên đề trái cây Việt Nam, kết hợp khu vực giao thương doanh nghiệp. Địa điểm tổ chức Lễ hội là Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Bắc Kinh - là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, là thị trường có giá trị cao và nhu cầu lớn.
Theo đó, việc tổ chức Lễ hội trái cây tại thủ đô Bắc Kinh đã giúp các thương hiệu, hình ảnh về trái cây nhiệt đới ngon, bổ dưỡng của Việt Nam được quảng bá, thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan thông tấn, truyền thông. Đồng thời, là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm trái cây tiêu biểu, cũng như gặp gỡ, tìm kiếm khách hàng, tăng cường hoạt động giao thương, tạo dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác tiềm năng về nhập khẩu trái cây tại Trung Quốc.
Khẳng định giá trị của nông sản Việt
Có nhiều ý kiến đánh giá cao ý nghĩa Lễ hội này của Việt Nam. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này và theo ông, dấu ấn thành công nhất từ Lễ hội để lại là gì?
Thực tế, phía Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đánh giá việc tổ chức Lễ hội này của Việt Nam, nhấn mạnh sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu của người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng của thị trường Trung Quốc.
Hàng năm, Trung Quốc chi tới khoảng 20 tỷ USD để nhập khẩu hoa quả. Trong khi đó, tính đến nay, các mặt hàng hoa quả Việt Nam nhập khẩu chính ngạch mới chỉ chiếm khoảng hơn 10% thị phần tại Trung Quốc và chủ yếu ở khu vực phía Nam, Đông Nam Trung Quốc và các tỉnh giáp biên giới Việt Nam. Theo đó, đây sẽ là tiền để thúc đẩy thương mại nông sản hai nước bền vững hơn.
Sản phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao và yêu thích. Ảnh: C.T
Theo tôi, một trong những dấu ấn quan trọng nhất mà Lễ hội đã đạt được đó là đã góp phần phản ánh sinh động hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Lễ hội cũng chính là một trong những yếu tố tạo động lực rõ rệt để người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam cải tiến phương thức kinh doanh, cải tiến sản phẩm, cung ứng cho thị trường các loại trái cây có mẫu mã đẹp, chất lượng nổi trội, góp phần nâng tầm, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ cung ứng trái cây thế giới nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng.
Ngoài hàng loạt các văn bản hợp tác được ký kết giữa các doanh nghiệp hai bên, phía Trung Quốc cũng đã tạo điều kiện để Việt Nam có một gian hàng tại Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa. Căn cứ nội dung làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam với ông Trương Ngọc Tỷ – Tổng giám đốc Trung tâm Phân phối Nông sản Tân Phát địa bên lề Lễ hội, Cục Xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương giao Cục làm đầu mối phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam tổ chức tham gia Khu triển lãm thường xuyên sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc tại Trung tâm Phân phối Nông sản Tân Phát địa. Đây sẽ là cầu nối để nông sản Việt có thể tiếp cận sâu vào thị trường Trung Quốc, “tiếp sức” để khẳng định giá trị của nông sản Việt không chỉ có thể chinh phục được khu vực mà còn trên trường quốc tế trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nga Đỗ
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/le-hoi-trai-cay-viet-nam-tai-trung-quoc-chuyen-bay-gio-moi-ke-370694.html