Báo Điện tử Chính phủ đưa tin, vào 9:47, ngày 4-12-2024 giờ địa phương (19:47, Hà Nội), tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Trung tâm hội nghị Conmebol, thủ đô Asuncíon, Cộng hòa Paraguay, di sản lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: TTXVN
Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL), Ủy ban Liên Chính phủ ghi nhận Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, đồng thời, đánh giá cao những kinh nghiệm và đóng góp của Việt Nam cho Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc, An Giang, diễn ra từ ngày 22 đến 27-4 Âm lịch trong Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam. Lễ hội mang đậm văn hóa của cư dân vùng Nam Bộ, thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng người Khmer, Hoa, Chăm.
Năm 2014, lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đáp ứng ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với những tiêu chí như lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm và Hoa tại thành phố Châu Đốc tổ chức.
Các nghi lễ, phong tục và kỹ năng thực hành nghi lễ liên quan đến di sản này được trao truyền trong gia đình và cộng đồng thông qua truyền miệng, thực hành trực tiếp và tham gia vào lễ hội.
Lễ hội thúc đẩy giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng và hòa hợp dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội cũng như những đóng góp của cha ông trong việc xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, lễ hội còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, phát triển kinh tế toàn diện và bảo vệ bền vững môi trường, khí hậu, hòa bình và gắn kết xã hội... và các tiêu chí khác theo quy định.
Theo báo Điện tử Chính phủ, TTXVN
Đăng Huy