Lễ hội Văn hóa Việt Nam 2025 được tổ chức tại trung tâm Thủ đô Moskva.
Đây là sự kiện văn hóa, nghệ thuật đặc sắc được Chính quyền Moskva phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức, nằm trong chuỗi các sự kiện “Mùa hè tại Moskva” và trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Địa điểm tổ chức lễ hội nằm ngay sát Quảng trường Đỏ, nơi mang tính biểu tượng của nước Nga, thể hiện sự trân trọng của bạn dành cho văn hóa Việt Nam, mong muốn đưa văn hóa Việt đến gần với nhân dân Nga.
Với khoảng 1 triệu người tham quan khu vực này mỗi tháng, Lễ hội là dịp để người dân Nga, nhất là giới trẻ, làm quen và trải nghiệm trực tiếp các nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Tại Lễ khai mạc, các nghệ sĩ Việt Nam chia sẻ, họ muốn đưa người nghe đi từ rừng núi hùng vĩ đến đồng bằng thơ mộng của Việt Nam, từ hoài niệm tới hiện đại; kể chuyện đất nước mình bằng âm nhạc, bằng tình cảm nồng hậu và sự hiếu khách của người phương Đông.
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật: Âm nhạc truyền thống, Rối cạn và Rối nước mang chủ đề “Thanh âm miền nhiệt đới”, nhấn mạnh nhận diện dân tộc, tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một bể Thủy đình cho Rối nước Việt Nam được dựng tại thủ đô Moskva để đến với công chúng Nga. Những tiết mục được dàn dựng mới mẻ, sáng tạo với âm nhạc dân tộc sống động, phục trang rực rỡ và kỹ thuật biểu diễn điêu luyện – vừa giữ được chất hồn dân gian, vừa tìm thấy tinh thần thời đại.
Chương trình là sự kết hợp tinh tế giữa Rối nước truyền thống và Rối cạn cách tân, giới thiệu đến khán giả những hình ảnh đặc trưng, tươi vui, sống động của nông thôn Việt Nam – nơi những đứa trẻ chăn trâu, người nông dân đi cày, nơi tiếng sáo giữa đồng lúa và không gian âm nhạc Việt Nam rộn ràng.
Tại Lễ hội, các nghệ nhân giới thiệu và trưng bày sản phẩm sơn mài Việt Nam: “Vườn Sơn - Sắc màu nhiệt đới”, mang đến một góc nhìn mới mẻ về sơn mài Việt – nơi kết nối văn hóa Việt Nam và văn hóa Nga, nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện.
Bên cạnh đó, trong không gian Lễ hội có khu giới thiệu ẩm thực Việt Nam: “Hương vị Cốm: Tinh hoa Hà Nội, hồn cốt sông Hồng”. Đó là những sản phẩm tinh tuyển làm từ cốm như cốm tươi, chả cốm, bánh cốm, chè cốm… Chương trình giới thiệu Cốm Hà Nội và cách làm các sản phẩm cốm do Nghệ nhân Ánh Tuyết chủ trì thực hiện.
Cốm - biểu tượng ẩm thực tinh tế của Hà Nội, không chỉ là món ăn mà còn là cả một nghệ thuật – kết tinh của nhịp sống nông nghiệp, nhịp thở đô thị và tình cảm của người Hà Nội dành cho đất trời.
Nón lá vốn là một phụ kiện truyền thống của Việt Nam, xưa kia được người dân sử dụng gần như thường xuyên. Trải qua bao thăng trầm, chiếc nón lá vẫn có một vị trí quan trọng nhất định trong đời sống, văn hóa của dân tộc. Tại Lễ hội, nón lá được bạn bè Nga và quốc tế thích thú trải nghiệm dưới cái nắng gay gắt những ngày gần đây ở Thủ đô Moskva.
Lễ hội còn có không gian tương tác nhạc cụ truyền thống Việt Nam với đàn T’rưng, K’Longput. Tại đây, nghệ sĩ giao lưu tương tác, hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
Triển lãm ảnh “Việt Nam – Đất nước, Con người” tại Lễ hội là bộ sưu tập 40 bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh đương đại Việt Nam, do Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tuyển chọn và giới thiệu. Triển lãm mang đến một diện mạo Việt Nam bên cạnh phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, thơ mộng của núi non, hang động, biển đảo, ruộng bậc thang… còn là những khoảnh khắc đời thường xúc động – ánh mắt của người mẹ vùng cao, nụ cười của em bé ven biển, giọt mồ hôi trên cánh đồng mùa gặt và vẻ hân hoan của những Lễ hội dân gian.
Tại Lễ hội, nhà thiết kế Vũ Việt Hà giới thiệu bộ sưu tập “Hà Nội 12 mùa hoa” – một hành trình thị giác qua từng tháng trong năm, mỗi tháng là một loài hoa đặc trưng gắn với ký ức Hà Nội: từ đào tháng Giêng, hoa ban tháng Ba, loa kèn tháng Tư, sen tháng Sáu cho đến cúc họa mi cuối Thu.
Không chỉ là thời trang, các thiết kế của Vũ Việt Hà là những bức tranh sống động về Hà Nội. Bộ sưu tập Hà Nội 12 mùa hoa được làm trên áo dài phong cách truyền thống của Hà Nội thập niên 1930 từ các phác thảo của họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ và một số các họa sĩ lừng danh của Việt Nam thời kỳ này. Bộ sưu tập với mẫu áo liền thân được khâu tay tỉ mỉ từ các nghệ nhân làng Trạch Xá trên nền vải lụa tơ tằm truyền thống được dệt thủ công nhuộm thủ công và họa tiết 12 mùa hoa được thêu công phu, tỉ mỉ từ các làng nghề.
Bộ sưu tập như để tái hiện lại những khung hình của các họa sĩ thời kỳ này kết hợp với xu hướng thời trang tạo nên những bộ áo dài đương đại. Các bộ sưu tập được làm hoàn toàn thủ công và nhuộm màu tự nhiên – thể hiện tinh thần "sống xanh, sống chậm", đồng thời tôn vinh vẻ đẹp văn hóa và sự tỉ mỉ trong từng chi tiết.
Trong ngày khai mạc, số lượng khách tham quan lễ hội rất đông. Họ xếp hàng dài chờ đến lượt để có thể trải nghiệm không gian văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ngay tại trung tâm Thủ đô Moskva.
XUÂN HƯNG Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga