Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Ninh Thuận

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Ninh Thuận
2 ngày trướcBài gốc
Quang cảnh buổi lễ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng dự và phát biểu chúc mừng.
Tham dự buổi lễ, có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Yên Bái; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận qua các thời kỳ; đại diện cựu chiến binh trực tiếp tham gia kháng chiến tại Ninh Thuận…
Đại biểu các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành tỉnh Ninh Thuận tham dự buổi lễ.
Trong khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh đã đọc diễn văn bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta; Lãnh tụ kính yêu của dân tộc; tưởng nhớ đến các thế hệ chiến sĩ cộng sản kiên trung, các bậc tiền bối, lãnh tụ xuất sắc của Đảng; tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã trọn đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đã tô thắm thêm lá cờ đỏ vinh quang của Đảng, cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh đọc diễn văn tại buổi lễ.
Trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Ninh Thuận là căn cứ cách mạng quan trọng. Huyện Bác Ái là địa phương đầu tiên được giải phóng ở miền nam (ngày 30/8/1960), đã làm xoay chuyển tình thế cách mạng từ đấu tranh giữ gìn lực lượng chuyển dần sang thế tiến công, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã, góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Đế quốc Mỹ ở miền nam Việt Nam.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc, quân và dân Ninh Thuận vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Sau ngày đất nước thống nhất, từ tháng 2/1976 đến năm 1991, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải. Đến ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập trên cơ sở tách ra từ tỉnh Thuận Hải.
Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, thể hiện quyết tâm chính trị cao, đoàn kết, sáng tạo trong thực hiện những giải pháp mang tính đột phá, tạo thế phát triển kinh tế-xã hội ngày càng vững chắc.
Sau 50 năm giải phóng (16/4/1975-16/4/2025), nhất là sau 33 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2025), Ninh Thuận đã có bước tiến dài trên chặng đường đổi mới và phát triển. Nếu, năm 1992, Ninh Thuận là tỉnh có xuất phát điểm kinh tế-xã hội thấp (thu ngân sách chỉ hơn 30 tỷ đồng), đến nay, nền kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ, vượt bậc, tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, thu ngân sách năm 2024 đạt gần 5.000 tỷ đồng.
Trong các năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 8,74%, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực duyên hải miền trung và 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Từ một tỉnh nghèo, Ninh Thuận đã vươn lên trở thành tỉnh có thu nhập trung bình; GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 98,2 triệu đồng/người, tiệm cận với mức bình quân của cả nước; chất lượng đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội có sự phát triển vượt bậc với hệ thống giao thông, cảng biển hiện đại; xây dựng, hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng. Hệ thống thủy lợi, hồ đập được đầu tư xây dựng đồng bộ, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh….; diện mạo đô thị, nông thôn đã đổi thay rõ rệt.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ninh Thuận tập trung phát triển 5 ngành, lĩnh vực trọng điểm, đó là: Năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, kinh doanh bất động sản và kinh tế đô thị; xác định 2 nhóm ngành động lực: Kinh tế biển và kinh tế đô thị, từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương mạnh về biển. Đến cuối năm 2024, giá trị sản xuất của tỉnh đạt hơn 900 triệu đồng/ha; tỷ trọng đóng góp kinh tế biển vào GRDP đạt 42,2%.
Năng lượng tái tạo được coi là động lực mới, đóng góp hơn 25% tổng thu ngân sách của tỉnh Ninh Thuận, góp phần đáng kể trong chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước trong tương lai.
Đặc biệt, chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đã tạo động lực mới, đột phá cho phát triển kinh tế của tỉnh. Đến cuối năm 2024, tỉnh đã đưa vào vận hành thương mại 57 dự án với tổng công suất gần 4.000 MW (3.749,942MW), cao nhất cả nước; tỷ trọng ngành năng lượng chiếm 24,6% GRDP của tỉnh, đóng góp hơn 25% tổng thu ngân sách tỉnh.
Các thiết chế văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm chăm lo; các chính sách cho người có công, chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; quốc phòng-an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, vững mạnh….
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã biểu dương, chúc mừng nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận sau 50 năm đất nước thống nhất, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đề nghị tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, hướng đến Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Thúc đẩy các động lực mới để đạt mục tiêu thập niên tăng trưởng kinh tế hai con số.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi lễ.
Tiếp tục thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ “tinh - gọn - mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả”, nhất là về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất, trên tinh thần “công việc là trên hết”, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận của nhân dân, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo: Sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay mang tầm vóc của một cuộc cách mạng đang bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, trong đó lấy cải cách thể chế, tinh gọn tổ chức, bộ máy, xây dựng hạ tầng chiến lược và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Do đó, cán bộ, đảng viên và người dân Ninh Thuận cần thể hiện khát vọng, ý chí quyết tâm mới, cùng hòa chung với khí thế mới của đất nước; quán triệt sâu sắc những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng là chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Với niềm tin sâu sắc bước vào kỷ nguyên mới-Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; phát huy tối đa các nguồn lực, bứt phá đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Thuận ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng, tạo động lực để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Dịp này, Chủ tịch nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
NGUYỄN TRUNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/le-ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-tinh-ninh-thuan-post872577.html