Dấu ấn thành tựu của Phật học viện Huệ Nghiêm và Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ

Dấu ấn thành tựu của Phật học viện Huệ Nghiêm và Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ
một giờ trướcBài gốc
Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
Quang lâm chứng minh buổi lễ có Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh; chư vị giáo phẩm Trưởng lão Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh: Hòa thượng Thích Thiện Pháp (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự), Hòa thượng Thích Nhật Quang, Hòa thượng Thích Như Tước, Hòa thượng Thích Tâm Thủy, Hòa thượng Thích Quảng Hiển; Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Văn, Thành viên Hội đồng Chứng minh.
Tham dự còn có Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, tỉnh Long An, Vĩnh Long; chư tôn đức học Tăng các thế hệ của Phật học viện Huệ Nghiêm; chư Tăng Ni các tự viện tại TP.HCM và Phật tử gần xa...
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông ôn lại tiểu sử Hòa thượng Thích Bửu Huệ và Phật học viện Huệ Nghiêm. Theo đó, Phật học viện Huệ Nghiêm được thành lập từ năm 1964, là chiếc nôi đào tạo Tăng tài, trong đó có những vị dấn thân phụng sự, được suy tôn, suy cử nhiều trọng trách của của Giáo hội qua các giai đoạn lịch sử.
“Lễ kỷ niệm ngày hôm nay nhằm ôn lại tình linh sơn pháp lữ của chư huynh đệ cựu học Tăng từng ngồi dưới mái trường Phật học viện Huệ Nghiêm thân thương này. Qua đó, nhắc nhở thế hệ hậu lai biết tri ân nguồn cội, kế tục tông phong, phát hoằng thệ nguyện, phổ độ hàm linh.”, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông, cựu học Tăng, trụ trì chùa Huệ Nghiêm đương nhiệm bày tỏ.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khái quát lịch sử quá trình hình thành Phật học viện Huệ Nghiêm
Với tư cách là cựu học Tăng, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn ôn lại lịch sử quá trình hình thành Phật học viện Huệ Nghiêm và tiến trình, những biến cố cũng như thành tựu của trung tâm đào tạo Tăng tài ở miền Nam này.
Theo đó, Trưởng lão Hòa thượng nhớ lại sau Pháp nạn 1963, Phật giáo bắt đầu khôi phục và khởi sắc, nhu cầu mở rộng Phật học đường là điều tất yếu nên cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống nhất đã quyết định dời Phật học đường Nam Việt tại chùa Ấn Quang về An Dưỡng địa (H.Bình Chánh, tỉnh Gia Định).
Năm 1964, thừa sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Phật học đường Nam Việt, Trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa (khóa 4) được thành lập tại An Dưỡng địa do Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ làm Giám đốc, Hòa thượng Thích Thiền Tâm làm Giáo thọ và Hòa thượng Thích Thanh Từ làm Quản viện. Lớp Trung đẳng khai giảng, có 40 vị Tăng sinh chính thức theo học, đào tạo trong thời gian ba năm. Cùng thời gian đó, cơ sở đào tạo Phật học dành cho Ni giới cũng được mở tại Ni trường Dược Sư (Q.Bình Thạnh).
Năm 1965, nhằm cải cách và phát triển ngành Giáo dục Phật giáo, Tổng vụ Tăng sự, Phật học vụ và Ban Giám đốc thống nhất ý kiến, đổi tên Trường Trung đẳng Phật học chuyên khoa thành Phật học viện Huệ Nghiêm và tiếp nhận thêm 300 Tăng sinh vào tu học.
Chư tôn giáo phẩm tham dự
Năm 1968, theo quyết định của Ban Giám đốc, Phật học viện Huệ Nghiêm được cải đổi thành Phật học viện Chuyên khoa Nội điển, do đó một số Tăng sinh có nhu cầu học song song chương trình thế học và Phật học được chuyển đến các Phật học viện khác như: Hải Ðức (Nha Trang), Liễu Quán (Phan Rang), Bảo Tịnh (Phú Yên), Nguyên Thiều (Bình Ðịnh)... để tiếp tục con đường học vấn theo tâm nguyện.
Năm 1970, Ðại hội Văn hóa Giáo dục kỳ IV GHPGVN Thống nhất họp tại Ðà Lạt, Giáo hội quyết định thành lập Viện Cao đẳng Phật học, đặt tại Phật học viện Huệ Nghiêm. Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh được tấn phong chức vụ Viện trưởng; Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ được suy cử làm Phó Viện trưởng, trực tiếp quản lý, điều hành chương trình tu học tại đây.
Sau năm 1975, mọi sinh hoạt Phật sự tại Viện Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm có nhiều thay đổi theo hoàn cảnh chung của đất nước sau ngày thống nhất. Dưới sự hướng dẫn của nhị vị giáo phẩm Hòa thượng Thích Trí Tịnh và Thích Bửu Huệ, chư Tăng xa lánh duyên trần, chuyên tâm hành trì, xây dựng đời sống hướng nội, kiên định vững chãi trước sự đổi thay của xã hội và tiếp tục duy trì mạng mạch của Phật pháp.
Quang cảnh buổi lễ
Năm 1976, Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ kiến thiết các tịnh thất, mở ra chương trình kết thất tịnh tu cho chư Tăng tại bổn viện. Năm 1980, ngài khiếm an, nên đã chuyển giao trách nhiệm quản lý và điều hành cho các vị lúc bấy giờ là Thượng tọa Thích Chơn Lạc, Thượng tọa Thích Minh Thông, Thượng tọa Thích Chơn Thanh và Thượng tọa Thích Thiện Quý; Trưởng lão Hòa thượng chỉ giữ vai trò Cố vấn chỉ đạo. Năm 1989, Ban Quản trị trùng tu, xây dựng lại Phật điện.
Ngày 27-10-Tân Mùi (1991), Trưởng lão Hòa thượng Bửu Huệ thuận thế vô thường, xả báo an tường viên tịch tại chùa Huệ Nghiêm; trụ thế: 78 năm, 42 hạ lạp. Bảo tháp ngài được an trí tại chùa Huệ Nghiêm.
Sau đó, Ban Quản trị chùa Huệ Nghiêm do Hòa thượng Thích Chơn Lạc đảm nhiệm trụ trì tiến hành trùng tu chùa Huệ Nghiêm.
Năm 2014, Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông được bổ nhiệm trụ trì chùa Huệ Nghiêm cho đến nay. Với tâm nguyện trùng hưng Giới luật, tiếp dẫn hậu lai và báo ân đức thầy tổ, Trưởng lão Hòa thượng tiến hành khởi công xây dựng Giới đài viện, là một trong những điểm được chọn tổ chức truyền giới qua các Đại giới đàn tại TP.HCM.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang phát biểu - Ảnh: Đăng Huy
Đại diện học tăng các thế hệ phát biểu, Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhật Quang, học tăng khóa I Phật học viện Huệ Nghiêm ôn lại nhiều kỷ niệm sâu sắc với thời gian gắn bó, học và dạy tại Phật học viện Huệ Nghiêm.
"Khóa I của chúng con có khoảng 40 học viên, được tuyển từ Phật học đường ở các nơi như: Phước Hòa, Lưỡng Xuyên, Phật Quang… Thời kỳ đó rất khó khăn, thiếu thốn mọi thứ, ngôi trường của chúng con lợp tạm bằng tôn, nền xi-măng, ban ngày nóng bức, còn ban đêm thì rất lạnh, mỗi khi học bài nền nhà rung rinh bên tiếng bom đạn liên hồi… Nhưng với sự che chở của các bậc tôn túc, chúng con an tâm tu học.", vị giáo phẩm nay đã ngoài 80 tuổi, là Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, chia sẻ.
Trưởng lão Hòa thượng xúc động: “Đến bây giờ nhìn lại thì các bạn đồng học chỉ còn lại mấy người. Mong rằng các huynh đệ sẽ làm tròn bổn phận của mình, nhất là hướng dẫn nâng đỡ các thế hệ đàn em sau này".
Đức Pháp chủ GHPGVN ban đạo từ
Đạo từ tại buổi lễ, Đức Pháp chủ GHPGVN cho biết ngài may mắn được học và thân cận các bậc Thầy như cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa... tại Phật học đường Nam Việt; tiếp xúc với quý Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiền Tâm, Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ sau khi du học tại Nhật Bản về nước.
"Điều mà ai cũng thấy được ở các ngài có đức tính khiêm cung, không xem thường ai và luôn giúp đỡ chúng Tăng, như là hiện thân của Bồ-tát Thường Bất Khinh. Quý ngài có tầm nhìn xa, không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân, đứng trước hoàn cảnh khó khăn luôn tìm cách vuợt qua, lấy đó làm phương châm lập chí tu hành. Chúng ta nên học tấm gương đó ở quý ngài: Nơi nào Phật pháp cần, nơi nào chúng sanh cần thì ta đến, không nề gian lao, không từ khó nhọc.", Đức Pháp chủ nhận định.
Với những Phật sự lớn lao, nền tảng, đặc biệt trong việc giáo dục, đào tạo Tăng tài, các bậc Thầy trong thời kỳ chấn hưng của thế kỷ trước đã có một tầm nhìn xa và rộng, tạo nền tảng, tiền đề cho sự phát triển của Phật giáo sau này.
Đại lão Hòa thượng Pháp chủ điểm lại những thành tựu nổi bật mà Phật học viện Huệ Nghiêm đã đạt được, trong hàng trăm chư Tăng tốt nghiệp từ trung tâm này có nhiều bậc Tăng tài, như chư vị giáo phẩm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Hòa thượng Thích Nhật Quang, Hòa thượng Thích Tâm Thủy…
Ngài cho rằng việc báo đáp ân lớn của các bậc Thầy không gì quý hơn là hết lòng phụng sự cho Phật pháp và chúng sanh.
Chư tôn giáo phẩm đồng tụng Tứ hoằng thệ nguyện
Sau lời cảm tạ của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Pháp, chư tôn đức giáo phẩm Trưởng lão và hội chúng tham dự đã thành tâm đối trước tôn dung các bậc Thầy, những vị đã gắn bó và dành tâm huyết cho việc đào tạo Tăng tài tại Phật học viện Huệ Nghiêm, dâng hương tưởng niệm.
Đức Pháp chủ và Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng đã dâng trà cúng dường lên các bậc Thầy, chư vị giáo phẩm đã viên tịch. Hội chúng đồng tụng Tứ hoằng thệ nguyện nhất tâm cầu nguyện, tưởng nhớ đến các bậc tiền bối có nhiều đóng góp cho Đạo pháp.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Bảo tháp cố Hòa thượng Thích Bửu Huệ trong khuôn viên chùa Huệ Nghiêm
Xem lại những hình ảnh xưa về Phật học viện Huệ Nghiêm
Nguyên Tài - Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/dau-an-thanh-tuu-cua-phat-hoc-vien-hue-nghiem-va-truong-lao-hoa-thuong-thich-buu-hue-post73919.html