Giới quan sát quốc tế đưa ra hai kết luận, có thể không mới, nhưng phù hợp với cục diện chính trị thế giới hiện nay. Thứ nhất, chiến lược cô lập Nga của phương Tây tiếp tục cho thấy sự thất bại khi Moscow vẫn tổ chức sự kiện quốc gia lớn với sự tham dự của nhiều quốc gia, chứng tỏ Nga chưa bị loại khỏi trật tự toàn cầu. Thứ hai, sự kiện phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, không chỉ về các vấn đề thời sự như xung đột hay an ninh năng lượng, mà còn về cách hiểu lịch sử, đặc biệt là vai trò của Liên Xô trong Thế chiến II.
Sự kiện kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít tại Moscow năm nay một lần nữa thu hút sự chú ý không chỉ vì ý nghĩa lịch sử của nó, mà còn vì bối cảnh chính trị hiện tại đang tác động mạnh mẽ đến cách thế giới nhìn nhận sự kiện này. Sự hiện diện của lãnh đạo và đại diện đến từ gần ba mươi quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và một số nước châu Âu cho thấy rằng, bất chấp các nỗ lực cô lập ngoại giao do phương Tây dẫn đầu, Nga vẫn duy trì được những kênh hợp tác quốc tế nhất định.
Từ góc nhìn quốc tế, sự kiện này phản ánh rõ sự phân hóa trong cách các quốc gia đánh giá và phản ứng với cùng một hiện tượng lịch sử. Với Nga và nhiều quốc gia từng là thành viên Liên Xô cũ hoặc có liên hệ lịch sử sâu sắc với cuộc chiến chống phát xít, ngày 9/5 vẫn giữ nguyên giá trị biểu tượng. Trong khi đó, tại nhiều nước phương Tây, ý nghĩa lịch sử của sự kiện ngày càng bị đặt vào khung đánh giá mới, nơi các biểu tượng quá khứ thường xuyên bị soi chiếu bởi bối cảnh chính trị hiện tại.
Phản ứng của phương Tây trước sự kiện Moscow: Giới hạn ảnh hưởng và những câu hỏi chưa có lời đáp
Qua sự kiện tại Quảng trường Đỏ ngày 9/5, một câu hỏi đặt ra: nếu mục tiêu là cô lập Nga, thì vì sao một số nhà lãnh đạo châu Âu lại vẫn quyết định tham dự các sự kiện chính thức tại Moscow? Thay vì tạo ra sự đoàn kết trong phản ứng, sự bất đồng trong nội bộ châu Âu đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Điều đáng chú ý là phản ứng từ một số quốc gia châu Âu, điển hình là các nước vùng Baltic, và trong một số trường hợp, cả Ba Lan, lại mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất. Việc các nước này đóng cửa không phận nhằm cản trở chuyến bay của Thủ tướng Slovakia Robert Fico và Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić đến Moscow không chỉ gây tranh cãi, mà còn cho thấy giới hạn của ảnh hưởng chính trị thực tế từ phía Brussels. Phải chăng Liên minh châu Âu (EU) không còn những đòn bẩy hiệu quả hơn để gây ảnh hưởng đối với các nước thành viên và ứng viên như Slovakia hay Serbia? Về mặt kỹ thuật, các công cụ gây sức ép vẫn tồn tại và chưa từng bị hủy bỏ. Trong trường hợp Slovakia, quốc gia này tiếp tục là một trong những bên hưởng lợi lớn từ các quỹ hỗ trợ cơ cấu của EU. Trong hai thập kỷ qua, Bratislava đã nhận được gần 40 tỷ euro từ ngân sách EU, trong khi mức đóng góp của họ trong cùng thời kỳ chỉ khoảng 16 tỷ euro, chênh lệch đủ để minh chứng cho mức độ phụ thuộc tài chính nhất định.
Với Serbia, kể từ khi được công nhận là ứng viên cho tư cách thành viên EU vào tháng 3/2012, Belgrade đã nhận được khoảng 7 tỷ euro tài trợ từ EU dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều đó cho thấy Serbia ở trong một trạng thái đặc biệt: vừa là đối tượng của chính sách mở rộng châu Âu, vừa duy trì quan hệ thân thiện với các trung tâm quyền lực bên ngoài khối, đặc biệt là Moscow. Trong bối cảnh đó, câu hỏi thực sự không nằm ở chỗ “tại sao một số lãnh đạo lại đến Moscow”, mà là: tại sao EU, với tất cả công cụ tài chính và thể chế trong tay, vẫn chưa thể ngăn chặn những biểu hiện bất đồng chính sách như vậy? Và xa hơn, liệu những hành động như đóng cửa không phận có đủ để duy trì tính thống nhất của khối trong các vấn đề địa chính trị lớn, hay ngược lại, chúng đang phơi bày rõ ràng hơn giới hạn ảnh hưởng của Brussels đối với những thành viên có xu hướng hành động độc lập?
Khi lợi ích quốc gia vượt lên trên khuôn mẫu liên minh
Những câu hỏi tương tự cũng được đặt ra sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ XVI tại Kazan vào tháng 10 năm ngoái. Dù không có đại diện nào từ EU tham dự, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, lãnh đạo một quốc gia thành viên NATO, lại xuất hiện. Sự hiện diện này chắc chắn gây khó chịu cho giới lãnh đạo NATO và chính quyền Tổng thống Joe Biden khi đó, vốn luôn cảnh giác với mọi biểu hiện lệch khỏi lập trường chung của khối.
Không loại trừ khả năng Ankara đã phải đối mặt với các “đòn nắn gân” về chính trị và kinh tế, nhưng thực tế cho thấy những sức ép đó không đủ mạnh để ngăn cản Tổng thống Erdogan. Đây là ví dụ điển hình cho xu hướng ngày càng rõ nét trong thế giới đa cực: các quốc gia, kể cả thành viên của những liên minh truyền thống, đang hành xử theo lợi ích riêng, linh hoạt hơn và ít phụ thuộc hơn vào áp lực tập thể.
Tất cả những điều này cho thấy một xu hướng đáng chú ý: kỷ luật khối theo nghĩa truyền thống đang suy yếu rõ rệt trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Các hệ thống phân cấp vốn định hình trật tự chính trị thế giới sau Chiến tranh Lạnh ngày càng kém hiệu quả trong việc điều phối hành vi của các quốc gia thành viên. Thay vào đó, các quyết định đối ngoại ngày càng dựa trên lợi ích cụ thể và mức độ linh hoạt của từng chính phủ trong việc tham gia các liên minh tạm thời xoay quanh những vấn đề nhất định, thay vì gắn bó cứng nhắc với một khối lâu dài.
Điều này đồng nghĩa với việc khả năng kiểm soát những quốc gia đi ngược dòng, dù là “nổi loạn”, “bất đồng chính kiến” hay đơn giản là “độc lập” trong lựa chọn chiến lược, đang trở nên hạn chế hơn. Trật tự thế giới đang dần chuyển sang một mô hình đa trung tâm, nơi quyền tự chủ và tính linh hoạt chiến lược trở thành yếu tố quyết định trong hành vi quốc tế của các quốc gia.
Hiện nay, chủ nghĩa đa phương tình huống đang dần lấn át chủ nghĩa đa phương chiến lược; cách tiếp cận linh hoạt, xoay quanh từng vấn đề cụ thể ngày càng chiếm ưu thế so với các cơ chế hợp tác mang tính thể chế, lâu dài. Những quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan hay các lễ kỷ niệm tại Moscow hoàn toàn có thể, và trên thực tế từng nhiều lần, bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết chống lại Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tương tự, trong nội bộ NATO, xu hướng đặt lại vấn đề về “kỷ luật khối” cũng đang xuất hiện. Một số thành viên châu Âu trước đây thường im lặng có thể sẽ công khai bày tỏ nghi ngại nếu cho rằng Washington hành động quá vội vàng trong việc cải thiện quan hệ với Moscow, đặc biệt là trong bối cảnh chưa có tiến triển rõ rệt nào trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong NATO, dù còn ở mức tiềm tàng, cũng là một hệ quả tất yếu của môi trường địa chính trị ngày càng phân tán.
Mỗi người một ngả, mỗi việc một liên minh
Chủ nghĩa đa phương theo tình huống, về bản chất, phản ánh thực tế rằng các quốc gia ngày càng ít sẵn sàng ràng buộc mình với những cam kết dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế có thể biến động nhanh chóng và sâu rộng. Trong môi trường như vậy, việc duy trì quyền tự chủ trong hành động thường được ưu tiên hơn so với việc gắn bó lâu dài với ngay cả những cơ chế hợp tác đa phương đầy triển vọng.
Một ví dụ điển hình cho tính linh hoạt này là quá trình tương tác kéo dài và thiếu rõ ràng giữa BRICS và Saudi Arabia - quốc gia trong suốt gần một năm không xác định rõ liệu sẽ gia nhập chính thức hay chỉ giữ vai trò đối tác mở rộng trong khuôn khổ BRICS+. Một ví dụ thậm chí còn rõ nét hơn là trường hợp Argentina. Dưới thời Tổng thống Alberto Fernández, nước này tích cực vận động để trở thành thành viên BRICS, nhưng chỉ vài ngày sau khi Javier Milei nhậm chức, chính quyền mới đã đảo ngược hoàn toàn lập trường, tuyên bố rút lui khỏi quá trình gia nhập.
Những ví dụ như vậy cho thấy trong giai đoạn chính trị linh hoạt, các ưu tiên quốc gia có thể thay đổi nhanh chóng, và cam kết đa phương không còn mang tính ràng buộc cao như trước. Điều này vừa mở ra cơ hội cho các mô hình hợp tác linh hoạt, vừa tạo ra thách thức lớn cho tính bền vững của các cấu trúc đa phương hiện có.
Chính trị thế giới đang bước vào giai đoạn biến động mạnh mẽ, nơi khả năng dự đoán ngày càng trở nên khó khăn. Mỗi vấn đề quốc tế sẽ yêu cầu các liên minh đặc biệt được hình thành, thay vì dựa vào các cam kết lâu dài. Môi trường quốc tế mới này đòi hỏi các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia lãnh đạo, phải điều chỉnh chiến lược linh hoạt và ứng phó kịp thời với thay đổi nhanh chóng, nhằm duy trì ảnh hưởng trong bối cảnh các thể chế cũ ngày càng mất hiệu lực.
Hùng Anh