Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngày 31/3, các đội cứu hộ đã giải cứu 4 người khỏi các tòa nhà bị sập ở Myanmar, mang lại một số hy vọng sau 3 ngày xảy ra trận động đất lớn khiến khoảng 2.000 người thiệt mạng, khi những người tìm kiếm ở Myanmar và Thái Lan chạy đua để tìm thêm người sống sót.
Tân Hoa Xã đưa tin cho biết, trong số những người được cứu khỏi đống đổ nát ở Mandalay vào sáng sớm ngày 31/3 có một phụ nữ mang thai và một bé gái.
Mandalay nằm gần tâm chấn của trận động đất mạnh 7,7 độ Richter, tàn phá nặng nề ở Myanmar và gây ra thiệt hại và tử vong ở nước láng giềng Thái Lan.
Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan nằm trong số các nước láng giềng của Myanmar đã gửi vật tư và đội cứu trợ, cùng với đó là viện trợ và nhân sự từ Malaysia, Singapore và Nga.
"Chúng tôi làm việc trong bao lâu không quan trọng. Điều quan trọng nhất là chúng tôi có thể mang lại hy vọng cho người dân địa phương", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Yue Xin, người đứng đầu đội đầu tiên của Đội tìm kiếm và cứu nạn Trung Quốc, cho biết.
Tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan, ngày 31/3, các đội cứu hộ tiếp tục sử dụng cần cẩu và chó đánh hơi trong cuộc tìm kiếm tuyệt vọng đối với 76 người được cho là bị chôn vùi dưới đống đổ nát của một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng bị sập.
Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết, lực lượng cứu hộ không bỏ cuộc mặc dù thời hạn 3 ngày theo lẽ thường để tìm thấy những người còn sống đang đến gần. "Cuộc tìm kiếm sẽ tiếp tục ngay cả sau 72 giờ vì ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người bị mắc kẹt đã sống sót trong một tuần. Cuộc tìm kiếm vẫn chưa bị hủy bỏ", ông Chadchart khẳng định.
Ông Chadchart cho biết thêm, các cuộc quét máy trên đống đổ nát cho thấy vẫn có thể có người còn sống bên dưới và chó đánh hơi đang được điều động để cố gắng xác định vị trí của họ. "Chúng tôi đã phát hiện ra dấu hiệu sự sống yếu ớt”, ông Chadchart nói.
Tính đến hết ngày 30/3, số người chết chính thức ở Thái Lan là 18, nhưng con số này có thể tăng vọt nếu không có thêm nạn nhân nào được giải cứu khỏi hiện trường tòa nhà bị sập.
Tại Myanmar, phương tiện truyền thông nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/3, ít nhất 1.700 người đã được xác nhận đã tử vong. "Các nhóm của chúng tôi ở Mandalay đang chung tay nỗ lực mở rộng quy mô ứng phó nhân đạo mặc dù bản thân họ cũng đang trải qua chấn thương. Thời gian là yếu tố cốt lõi vì Myanmar cần sự đoàn kết và hỗ trợ toàn cầu trong thảm họa tàn khốc này", ông Noriko Takagi, đại diện của cơ quan tị nạn Liên hợp quốc tại Myanmar cho biết.
Hà Anh