Năm 2005, tôi viết bài thơ Về hội Lim tặng NSND Thúy Hường. Bài thơ được Báo Văn Nghệ đăng. Nhạc sĩ Tuấn Phương, Trưởng phòng Ca nhạc, Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam thích phổ nhạc bài này. Trăn trở mãi một hôm Tuấn Phương bảo:
- Em nghĩ rồi quan họ không phải sở trường của em. Em giới thiệu anh với bạn em - anh Lê Minh. Ông này đắm đuối với quan họ lắm!
Qua Tuấn Phương, tôi và nhạc sĩ Lê Minh gặp nhau nhưng buổi đầu rất... nhạt. Nhưng khoảng hơn tuần sau đúng ngày mưa nước ngập đầy đường Hà Nội, lũ tràn sông Tô Lịch tôi nhận được cuộc gọi của Lê Minh:
- Chào Thắng! Lê Minh đây, mình phổ nhạc xong bài thơ ''Về hội Lim rồi''. Thắng có rỗi sang nhà mình nghe thử.
- Nghe được không anh?
- Mình nghĩ nó hay đấy!
Về hội Lim sau đó được VTV giới thiệu trong chương trình Tác phẩm mới, rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát.
Từ đó, tôi và Lê Minh trở thành bạn tri kỷ như có sự sắp đặt của tạo hóa, tính ra đã gần 20 năm.
Lê Minh sinh năm 1947, hơn tôi 5 tuổi. Quê anh ở thôn Cẩm Tú, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn Thanh Hóa. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Lê Minh biết chơi đàn nhị từ năm 8-9 tuổi do ông anh rể truyền cho. Anh được kéo nhị trong đội văn nghệ thôn, lớn lên vào bộ đội thông tin. Lê Minh còn biết chơi thêm guitar, accordion lại khéo viết chữ kẻ vẽ nên được chọn vào Đoàn Nghệ thuật binh chủng Thông tin liên lạc cùng đợt với nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Đặng Trường Lưu, nghệ sĩ Trọng Hòa, nhạc sĩ Huy Tiến...
Năm 1980, Lê Minh ra quân về công tác tại Sở VHTT Hà Tây (cũ). Để chăm lo gia đình gồm vợ và 3 con, anh làm đủ nghề, hiện Lê Minh vẫn là ông giáo dạy đàn piano mát tay. Con trai, con gái anh đều tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, cháu trai Lê Vân vừa là nhạc sĩ vừa là nhạc công piano có tên tuổi.
Sản phẩm âm nhạc của Lê Minh không nhiều, chỉ khoảng 100 tác phẩm. Trước năm 2000, khán giả ít nghe tiếng Lê Minh. Chỉ đến khi ca khúc Lời ru (nhạc Lê Minh - phổ thơ Hoàng Hạnh) mọi người mới biết đến anh.
Nhạc sĩ Lê Minh
Không ồn ào nhưng cứ như những trận mưa giao mùa nhẹ nhàng, thấm mát, nhiều ca sĩ thành danh cũng dựng bài của anh, Lê Minh trở thành hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội.
Lê Minh hiền, tính rất thật đôi khi vụng, cả nể. Anh có một người bạn nổi tiếng trong giới văn nghệ, có giai đoạn Lê Minh được mời cộng tác. Mâu thuẫn trong công việc, Lê Minh bị phản đòn gần như thân bại danh liệt, gia đình suýt đổ vỡ. Thế mà một ngày đọc bài thơ của đối thủ, thấy hay anh liền phổ nhạc, ca khúc mang âm hưởng quan họ Khách đến chơi nhà ra đời. Hai người bạn cũ ngồi uống rượu, không nói gì với nhau chỉ nghe nhạc, quên hết chuyện buồn xưa...
Người sáng tác thơ - văn - nhạc - họa đa số né tránh đi vào vết xe của người đi trước. Một ý tưởng, một cốt chuyện, một nét họa, một câu thơ của ai đó lẫn vào tác phẩm của mình như hạt sạn, dễ bị mang tiếng "ăn cắp", có tác giả thân bại danh liệt suốt đời. Vậy mà ông nhạc sĩ đồng quê Lê Minh dám liều viết lại những cái cũ nhưng vẫn thành công, chẳng hạn như một số tác phẩm: Tập tầm vông, Khách đến chơi nhà, Hết giận rồi thương…
Là người có cuộc đời hòa đồng với dân gian, tham gia nhiều lễ hội, nghe và biết chơi nhiều nhạc cụ nên các sáng tác của Lê Minh viết về quan họ mà vẫn có âm hưởng Huế, viết về miền Bắc sao nghe có gì đó tha thiết của Nam và luyến lưu đa tình xứ Nghệ. Nhiều ca khúc như làn gió mát lành, người hát dễ hay mà người nghe cũng thấm.
Nguyễn Bá Thắng
Tấn Đăng