Du khách và nhân dân vui mừng được nhận lương tại các điểm phát lương tại đền Trần Thương.
Dự Lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Lễ phát lương Đức Thánh Trần là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, tái hiện tư liệu lịch sử về việc cấp phát lương khao đãi quân, dân sau khi đánh tan giặc ngoại xâm.
Lễ phát lương Đức Thánh Trần Đền Trần Thương diễn ra từ giờ Tý ngày 14 tháng Giêng, tái hiện lịch sử “phát quân lương” khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ ba (năm 1288) với những nghi thức truyền thống, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Túi lương là lộc ban - cũng là lời nguyện của Đức Thánh Trần phù hộ cho một năm quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.
Các túi lương được kiểm soát trước khi phát cho nhân dân và du khách.
Phần lễ gồm các nghi thức: lễ khai hội, rước kiệu Thánh, lễ rước nước, nhập lương, nghi lễ tâm linh, lễ phát lương. Trong đó, nghi lễ phát lương được diễn ra vào giờ Tý, ngày 14 tháng Giêng.
Sau những nghi lễ tâm linh truyền thống, lương thảo của Đức Thánh Trần được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam chủ trì làm lễ trong mật cung và được đưa ra các cửa phát lương để phát cho nhân dân.
Mỗi túi lương làm bằng vải điều màu đỏ in chữ Hán “Trần Thương” được linh thiêng hóa trở thành lộc Thánh tạo niềm tin tâm linh.
Bên trong túi lương có dấu ấn của Đức Thánh Trần và các loại ngũ cốc là sản vật của vùng quê Lý Nhân, gồm: gạo nếp cái hoa vàng, đậu tương, ngô đỏ; cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu đón linh khí trời đất, cho một năm sung túc, nhà nhà no đủ, hạnh phúc.
Để lễ phát lương Đức Thánh Trần diễn ra trang trọng với đầy đủ các nghi thức và để đền Trần Thương thật sự là điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, năm nay ban tổ chức không tổ chức phát lương phía trong đền và tại sân đền mà đã bố trí 12 cửa phát lương phía ngoài Nghi môn ngoại với 180 nghìn túi lương, bảo đảm cho nhân dân và du khách về dự lễ ai cũng nhận được lộc Thánh.
Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: biểu diễn trống hội, các chương trình nghệ thuật, giải cờ tướng, kéo co, giải bóng chuyền hơi, trưng bày triển lãm, giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương…
Ban tổ chức chuẩn bị đủ lượng lương bảo đảm phát đủ cho nhân dân và du khách từ đêm ngày 14 tháng Giêng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam khẳng định: Sau 15 năm tổ chức, lễ phát lương đã trở thành nét đẹp truyền thống, tôn vinh các anh hùng có công dựng nước và giữ nước, đồng thời lan tỏa giá trị lịch sử dân tộc. Sự kiện này nhắc nhở hậu thế trân trọng quá khứ, bày tỏ lòng kính trọng với các bậc tiền nhân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và tiếp nối tư tưởng “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.
Cùng với đó, lễ phát lương còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh Hà Nam đổi mới, phát triển đến với đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài.
Lễ hội mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, phúc lộc dồi dào, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, thể hiện khát vọng về một đất nước hưng thịnh, phát triển bền vững.
Đông đảo nhân dân và du khách thập phương xếp hàng tại các điểm để nhận lương.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đòi hỏi sự chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự quan tâm, đóng góp của toàn thể nhân dân, góp phần khẳng định vị thế Hà Nam xứng đáng với danh hiệu "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới" năm 2023 và "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á" năm 2024 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh.
ĐÀO PHƯƠNG