Lễ rước Thánh Mẫu Vân Hương bảo tồn di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu

Lễ rước Thánh Mẫu Vân Hương bảo tồn di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu
2 ngày trướcBài gốc
Đại lễ diễn ra theo đúng nghi lễ truyền thống
Lễ Cung nghinh rước Mẫu tuần du sơn trang đã diễn ra trang trọng trong không gian linh thiêng theo đúng nghi thức truyền thống, nguyện cầu Thánh Mẫu chở che, độ trì cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, quê hương Đà Lạt thanh bình, người người no ấm, kinh tế, xã hội không ngừng phát triển đi lên.
Thanh đồng tín lễ tham dự Đại lễ
Đoàn rước Thánh Mẫu diễn ra trong niềm hân hoan, cờ phướn rợp trời, đi trước là đoàn múa lân, rồng, bát âm; tiếp theo sau là kiệu, lọng, bát bửu, xe hoa mang biểu tượng chim trời, cá nước, muông thú. Đoàn rước lễ đi qua các con phố Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, La Sơn Phu Tử (Phường 6, Đà Lạt).
Nghi thức rước lễ diễn ra long trọng
Tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ là tín ngưỡng lâu đời nhất của người Việt, thờ các Thánh Mẫu, các vị thần nam, thánh nữ, những người có công với Nhân dân, góp phần xây dựng cuộc sống, bảo vệ Tổ quốc và dành tâm sức vun đắp cho xã hội tốt đẹp từ ngàn xưa.
Kiệu rước Thánh mẫu
Đây là loại hình sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa độc đáo, bởi không chỉ nghi thức cúng lễ, mà còn chứa nhiều giá trị văn hóa như: Quan niệm, ứng xử văn hóa của con người với thiên nhiên, giữa con người với con người; các yếu tố kết hợp thực hành âm nhạc, ca từ, nghệ thuật trang trí, hóa trang, trang phục, hát xướng, vũ đạo, đạo cụ, màu sắc mỹ thuật.
Theo sau là cờ hoa, đoàn bát bửu
Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện rõ tâm tư, tình cảm, đạo đức của cộng đồng, dân tộc mà hiếm có quốc gia nào trên thế giới có được. Đó là nhân sinh quan tích cực hướng đến mong muốn, tâm nguyện tốt đẹp dành cho bản thân, gia đình, cộng đồng ngay trong đời sống thực tại; qua đó thể hiện những giá trị cao đẹp về truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng dân tộc.
Các tín nữ Đà Lạt trong Đại lễ
Đặc biệt, hát chầu văn gắn liền với nghi thức hầu đồng là loại hình âm nhạc dành riêng cho không gian tâm linh ở các miếu – điện – đền – phủ nơi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Đoàn xe hoa
Với những giá trị đó, năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam, tứ phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Các tín nữ tung hoa dọc đường
Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại xuất hiện những biểu hiện biến tướng, tín ngưỡng thờ Mẫu có lúc, có nơi bị lợi dụng để bói toán, mê tín dị đoan. Lễ hội là dịp quảng bá đầy đủ vẻ đẹp một loại hình tín ngưỡng nội sinh của người Việt, từ đó kéo gần công chúng đến với những giá trị gốc của di sản, định hình một cộng đồng những người thực hành di sản tín ngưỡng đúng đắn, lành mạnh, không làm sai lệch văn hóa truyền thống.
Người dân quan tâm dõi theo đoàn rước lễ
Chương trình hành lễ vía Mẫu năm Ất Tỵ tiếp tục diễn ra trong 4 ngày từ 30/3 - 2/4 với nhiều hoạt động dâng văn rước bóng cúng Mẫu và tứ phủ, giao lưu hát chầu văn. Lễ hội nhằm bảo tồn, lan tỏa giá trị đích thực của Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại.
Đoàn rước đi qua nhiều con phố ở Phường 6 - Đà Lạt
QUỲNH UYỂN
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202503/le-ruoc-thanh-mau-van-huong-bao-ton-di-san-tin-nguong-tho-mau-2c51089/