Lê Thiết Cương: Nghệ sĩ của sự tối giản và 'con mắt xanh' trong hội họa Việt

Lê Thiết Cương: Nghệ sĩ của sự tối giản và 'con mắt xanh' trong hội họa Việt
6 giờ trướcBài gốc
Họa sĩ Lê Thiết Cương qua đời để lại nhiều tiếc thương cho người thân, bạn bè và giới hội họa, văn chương bởi anh là người tài hoa, hết lòng vì bạn bè.
Lê Thiết Cương sinh năm 1963. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội (khóa 1985–1990), họa sĩ Lê Thiết Cương bắt đầu hành trình sáng tác độc lập. Anh sớm khẳng định được tên tuổi không chỉ nhờ tranh bán chạy suốt hơn 3 thập niên qua mà còn bởi tư tưởng nghệ thuật kiên định, sâu sắc cùng phong cách sáng tác khác biệt. Bên cạnh cầm cọ, anh còn là một cây bút viết về nghệ thuật được công chúng yêu mến.
Họa sĩ Lê Thiết Cương (1962-2025).
Lê Thiết Cương là một trong những nghệ sĩ tiên phong đưa nghệ thuật trừu tượng và tối giản đến với hội họa Việt Nam từ đầu những năm 1990. Anh mạnh dạn phá vỡ những khuôn mẫu cũ, tạo ra một ngôn ngữ tạo hình mới, giàu bản sắc và hàm chứa chiều sâu triết lý phương Đông. Sự kết hợp giữa hình khối đơn giản, màu sắc tối giản - chủ yếu là đen trắng và các đề tài truyền thống như bát đũa, đèn dầu, hoa sen, con trâu... đã giúp anh định hình phong cách riêng, độc đáo và đầy thiền tính.
Với Lê Thiết Cương, tối giản không chỉ là kỹ thuật hay xu hướng mà là "căn cước", là cách anh hiện diện trong nghệ thuật và đời sống. "Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay", họa sĩ từng khẳng định.
Lối sáng tác của Lê Thiết Cương giống như một hành trình thiền định. Những gì bé nhỏ, giản dị trong tranh anh đều hàm chứa thông điệp sâu sắc, khơi gợi suy tư về không gian, thời gian và sự tĩnh lặng như chính Lê Thiết Cương nói: "nói bằng im lặng, im lặng sấm sét".
Triết lý này bắt nguồn từ sự ảnh hưởng sâu đậm của gia đình: ông nội, cha - nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên và cả những cuốn sách Đông phương từ thuở nhỏ mà Lê Thiết Cương đã đọc. Chính nền tảng ấy khiến Lê Thiết Cương trung thành với một con đường nghệ thuật suốt hơn 30 năm và biến tối giản thành trường phái sống, trường phái thẩm mỹ không thể tách rời khỏi tên tuổi ông.
Không chỉ sáng tác, Lê Thiết Cương còn luôn dành thời gian để viết. Sau các cuốn sách Thấy (2017) và Người và nhà (2024), tháng 6/2025, anh tiếp tục ra mắt Trò chuyện với hội họa. Văn phong cũng như tranh của Lê Thiết Cương, ngắn gọn, súc tích nhưng kỹ lưỡng và sâu xa. Lê Thiết Cương tin rằng "viết là chủ quan, không có chủ quan thì không có nghệ thuật". Khi bình luận tranh, anh chỉ quan sát và cảm nhận từ chính tác phẩm, tuyệt đối không dựa vào lời giải thích của tác giả vì "một bức tranh tốt phải tự nói được điều cần nói".
Trong tranh gốm, Lê Thiết Cương vẫn giữ vững tinh thần tối giản và truyền thống, những hình ảnh như người nông dân, cái liềm, con trâu... không chỉ là biểu tượng văn hóa Việt mà còn trở thành chất liệu biểu đạt tư tưởng mỹ học của anh. Dù vậy, Lê Thiết Cương cho rằng nghệ thuật không nằm ở chất liệu hay đề tài mà là ở cách thể hiện, vì "nghệ thuật là ở cách kể, chứ không phải bản thân câu chuyện".
Tác phẩm của Lê Thiết Cương luôn được đánh giá cao.
Tác phẩm của Lê Thiết Cương được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên bình diện quốc tế. Nhiều tranh của anh đã được trưng bày tại các bảo tàng, phòng tranh lớn trong và ngoài nước. Lê Thiết Cương cũng là người tiên phong đưa nghệ thuật đương đại Việt Nam ra thế giới với việc sáng lập Salon Natasha vào năm 2000 - một trong những không gian nghệ thuật đương đại đầu tiên tại Hà Nội.
Bên cạnh vai trò nghệ sĩ, anh còn là người truyền cảm hứng và dẫn dắt nhiều thế hệ họa sĩ trẻ thông qua triển lãm, workshop, các buổi chia sẻ về tư duy nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ đã chịu ảnh hưởng từ phong cách và triết lý nghệ thuật của Lê Thiết Cương, đặc biệt là quan điểm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Di sản nghệ thuật của Lê Thiết Cương không chỉ là hàng trăm tác phẩm hội họa độc đáo mà còn là những bài viết, quan điểm, phương pháp sáng tác giàu tư duy. Chúng góp phần quan trọng trong việc định hình diện mạo mỹ thuật đương đại Việt Nam, là nguồn tài liệu quý cho các nghiên cứu và giảng dạy sau này.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một trong những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam đương đại từng thừa nhận Lê Thiết Cương có "con mắt xanh" đặc biệt về hội họa. Đó là cách ông nhìn thấy chiều sâu trong mỗi tác phẩm nghệ thuật, không phải bằng kỹ thuật mà bằng trực giác, cảm thụ và sự thẩm thấu bản chất thẩm mỹ của sự vật. Đó cũng chính là phẩm chất hiếm có làm nên một nghệ sĩ thực thụ - người không chỉ sáng tác, mà còn có khả năng thấu hiểu cái đẹp ở tầng sâu nhất.
Lê Thiết Cương, với tranh, chữ và cách sống, là một nghệ sĩ đúng nghĩa của thời đại: tỉnh táo, lặng lẽ và bền bỉ trên con đường riêng - con đường của sự giản dị nhưng tinh túy, của cái nhìn sâu vào bên trong và của một "con mắt xanh" luôn hướng về vẻ đẹp tối giản trong đời sống và nghệ thuật.
Ảnh: FBNV
Tình Lê
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/le-thiet-cuong-nghe-si-cua-su-toi-gian-va-con-mat-xanh-trong-hoi-hoa-viet-2422758.html