Chiều nay (2/5), tại Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức họp báo về Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025.
Thượng tọa Thích Đức Thiện
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết qua Vesak 2025, Việt Nam muốn khẳng định vị thế với quốc tế, đồng thời lan tỏa hình ảnh, đất nước, văn hóa và con người hiền hòa, nghĩa tình.
Sáng cùng ngày, sự kiện đầu tiên mở đầu cho Vesak 2025 là cung rước xá lợi Phật. Buổi lễ diễn ra thành công viên mãn, tạo dấu ấn tốt đẹp với tăng ni, phật tử.
Ban Tổ chức đang chuẩn bị cho việc trưng bày các bảo vật quốc gia của Phật giáo tại Đại lễ Vesak 2025
Thượng tọa Thích Đức Thiện thông tin đến nay, mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Ban tổ chức nhận nhiều đăng ký tham dự của các đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 1.300 đại biểu đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điều này cho thấy bạn bè quốc tế đánh giá cao Đại lễ Vesak 2025 được tổ chức tại Việt Nam.
“Nhiều nguyên thủ quốc gia đăng ký tham gia, qua đó thể hiện vị thế của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước đã tạo cảm hứng, hào khí để các bạn quốc tế đến Việt Nam, đây là tín hiệu rất tích cực” - Thượng tọa chia sẻ.
Hình ảnh một số bảo bảo vật quốc gia của Phật giáo sẽ được triển lãm tại Đại lễ Vesak 2025
Một loạt hoạt động văn hóa cũng được tổ chức xuyên suốt đại lễ như: 7 chương trình văn nghệ, lễ thượng kỳ lá cờ 500m2, đêm hội hoa đăng với hàng nghìn người tham gia. Các hoạt động khác như hội thảo, nghệ thuật, tâm linh cũng tổ chức trong thời gian diễn ra sự kiện.
Ban tổ chức cũng lần đầu triển lãm, công bố 87 bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, tại Đại lễ Vesak 2025 sẽ có một quả khinh khí cầu để mọi người ký tên, lưu lại dấu ấn khi đến tham dự.
Hòa thượng TS.Tampalawela Dhammaratana - Phó Chủ tịch Thường trực ICDV (Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc) - đánh giá cao công tác tổ chức đại lễ của phía Việt Nam
“Đây là lần đầu tiên Đại lễ Vesak được tổ chức tại TPHCM, đồng thời đúng dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.
Chúng ta cần quyết tâm tổ chức thật thành công, an toàn và thể hiện được hình ảnh một Việt Nam yên bình, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế” - ông Nguyễn Duy Tân, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo TPHCM, nhấn mạnh.
Các hoạt động chính tại Vesak 2025
Ngày 2/5: Cung rước và tôn trí xá lợi Phật bảo vật quốc gia Ấn Độ tại chùa Thanh Tâm, khuôn viên công viên Láng Le và Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Ngày 3/5: Lễ khai mở chiêm bái xá lợi Phật bảo vật quốc gia Ấn Độ tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh) và xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10).
Ngày 4/5: Khai mạc các sự kiện triển lãm văn hóa Phật giáo tại khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam; Lễ thượng đại Phật kỳ rộng 500m2 lúc 9h.
Ngày 6/5: Khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025.
Ngày 7/5: Phiên hội thảo khoa học quốc tế của Đại lễ Vesak.
Ngày 8/5: Bế mạc Đại lễ Vesak, chiều tham quan tại Khu văn hóa núi Bà Đen (Tây Ninh).
Ngày 9/5: Tiễn các đại biểu quốc tế về nước.
Tuấn Chiêu
Nguyễn Huế