Các đại biểu tham dự Lễ Tưởng niệm chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình.
Sáng 23/7, tại Di tích lịch sử mộ Lê Trung Đình diễn ra Lễ Tưởng niệm 140 năm Ngày chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình hy sinh (23/7/1885 - 23/7/2025).
Dự Lễ dâng hương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh U Huấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành; cán bộ và nhân dân phường Trương Quang Trọng; đại diện gia tộc, hội đồng họ Lê Quảng Ngãi; các chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và đoàn viên, thanh niên.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân dâng hương tại mộ chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình.
Với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự buổi lễ đã thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Lãnh đạo tỉnh dâng hoa, dâng hương tại mộ chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình.
Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình.
Lê Trung Đình hiệu Long Cang, sinh năm 1857, tại làng Phú Nhuận, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; mất năm 1885 - khi mới tròn 28 tuổi. Ông đỗ cử nhân năm 21 tuổi nhưng không ra làm quan mà sớm đứng vào hàng ngũ lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp ở Trung Kỳ.
Hưởng ứng chiếu Cần Vương năm 1885 do vua Hàm Nghi ban bố, kêu gọi dân chúng cầm vũ khí giúp Vua chống lại thực dân Pháp, cứu nước, chí sĩ Lê Trung Đình đã đứng lên tập hợp lực lượng phát động khởi nghĩa. Ông tổ chức lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa, chiếm lĩnh thành Quảng Ngãi vào đêm 13/7/1885.
Mộ chí sĩ yêu nước Lê Trung Đình tại TDP Trường Thọ Đông, phường Trương Quang Trọng, tỉnh Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, nghĩa quân của ông bị lực lượng của Nguyễn Thân (thành viên Nghĩa hội phản bội) đánh bất ngờ nên nhiều nghĩa binh bị hy sinh, Lê Trung Đình bị giặc bắt và xử chém vào ngày 23/7/1885 tại phía bắc thành Quảng Ngãi. Thi hài của ông được an táng tại thôn Trường Thọ Đông, phường Trương Quang Trọng, tỉnh Quảng Ngãi.
140 năm đã trôi qua nhưng tinh thần và lý tưởng mà chí sĩ Lê Trung Đình để lại vẫn còn sáng mãi trong lòng dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Lê Trung Đình được tổ chức nhanh, diễn ra gọn, tồn tại ngắn ngày nhưng đã để lại những kinh nghiệm quý báu và tiền đề mới cho tiến trình phát triển lịch sử ở địa phương và cả nước. Đó không chỉ là một di sản tinh thần quý báu, mà còn là lời hiệu triệu thiêng liêng đối với các thế hệ hôm nay và mai sau về trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tin, ảnh: DƯƠNG NƯƠNG