Lễ vía Quan Thánh Đế Quân được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 Âm lịch hằng năm tại di tích Quan Công Miếu- Hội An
Lễ vía Quan Thánh Đế Quân ( còn có tên gọi lễ vía Quan Công) được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 Âm lịch hằng năm tại di tích Quan Công Miếu, số 24, đường Trần Phú, phường Hội An, thành phố Đà Nẵng ( thuộc phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trước đây).
Đây là một lễ lệ dân gian của bà con người Hoa ở Hội An và đã trở thành sự kiện sinh hoạt văn hóa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của dân cư nơi đây.
Từ sáng sớm ngày 18.7, người dân và du khách đã đến trước di tích Quan Công miếu để tham gia lễ vía
Lễ vía cũng là là dịp để người dân khắp nơi tìm đến bày tỏ lòng tôn kính đối với vị danh tướng Quan Vũ- là biểu tượng của lòng trung, tín, tiết, nghĩa trong văn hóa Trung Hoa; là vị thần bảo hộ trong tâm thức dân gian, phù hộ cho việc làm ăn, buôn may bán đắt.
Tại Hội An, ngoài Quan Công miếu (còn có tên gọi Chùa Ông), Quan Thánh Đế Quân còn được thờ ở một số hội quán và trong các gia đình người Hoa ở phố cổ.
Phần biểu diễn lân sư rồng tại mỗi kỳ lễ vía luôn là hoạt động được nhiều du khách hào hứng đón xem
Năm nay, lễ vía diễn ra vào ngày 18.7 với các hoạt động nghi lễ, dâng hương, diễu hành, diễn xướng lân, sư, rồng tại không gian Quan Công Miếu và các tuyến đường Lê Lợi, Trần Phú, Trần Hưng Đạo.
Từ 6 giờ sáng, tại di tích Quan Công Miếu bắt đầu lễ xông hương trầm tại khu vực tượng thờ Quan Công. Cùng với đó là lễ dâng hương, thực hành nghi lễ vía Quan Thánh; Hội quán Phước Lộc Thiên dâng lễ. Nhân dân và du khách về tham dự dâng hương.
Hội quán Phước Lộc Thiên, đoàn lân rồng Tứ Câu diễu hành theo lộ trình từ Bảo tàng Hội An - đường Lê Lợi - ngã tư Lê Lợi Trần Phú - đường Trần Phú - Quan Công Miếu.
Chuẩn bị hoạt động diễu hành xe hoa dâng lễ và lân, sư, rồng nhân lễ vía tại các tuyến đường trong khu phố cổ Hội An
Từ năm 2023, Hội An chính thức là thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.
Việc tổ chức Lễ vía Quan Thánh Đế Quân hàng năm ngoài thể hiện sự tiếp biến văn hóa, vận dụng sáng tạo trong đời sống của người Hội An, đồng thời minh chứng rõ tính giao thương quốc tế, các giá trị văn hóa mở của vùng đất Hội An xưa và nay.
Tại lễ vía năm 2024, các hiệp hội lân sư rồng quốc tế đã tham gia biểu diễn, một lần nữa khẳng định Lễ vía Quan Công của cộng đồng cư dân Hội An đã được nâng tầm quy mô, thúc đẩy mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, góp phần quảng bá nét đẹp lễ hội truyền thống nói riêng, di sản văn hóa Hội An nói chung đến với du khách trong và ngoài nước
Quan Thánh Đế Quân (Quan Công, Quan Vân Trường) là nhân vật có thật thời Tam quốc diễn nghĩa, Trung Quốc, có nhiều công lao, nổi tiếng là người trung nghĩa tiết liệt và đức độ nên được người đời tán tụng “Tam Quốc anh hùng vô đối thủ, nhất trường trung liệt hữu hoàn nhân” (Người anh hùng thời Tam Quốc không ai là đối thủ, là người trung liệt, hoàn hảo hiền nhân).
Ở Việt Nam, các triều vua, đặc biệt là vào đầu thời Nguyễn cũng cho dựng miếu Quan Công ở 23 tỉnh thành và ban sắc phong để thờ cúng. Thần hiệu cao nhất của Quan Thánh được sắc phong là “Quan Thánh Đế Quân Hộ Quốc Tí Dân Hiển Hữu Công Đức Dực Bảo Trung Hưng Đại Vương Tôn Thần”.
Lễ tế chính diễn ra từ sáng sớm ngày 24 tháng 6 Âm lịch, mâm cúng giữa chính điện bày nguyên một con heo quay, mâm xôi vò, mâm bánh bao và nhiều hoa quả... Ở bàn thờ của ngựa Bạch Mã, Xích Thố, khám thờ Khổng Tử, Chúa Tiên cũng bày nhiều hoa quả, bánh trái
Tại Hội An, di tích Quan Công miếu được cộng đồng người Minh Hương và người Việt kiến dựng vào trước năm Khánh Đức Quý Tỵ (1653). Với người dân Hội An, Quan Công biểu trưng cho đức độ Trung - Tín - Tiết - Nghĩa là đỉnh cao của đạo làm người.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Minh- Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, Hội An từng là đô thị - thương cảng, nơi thường xuyên diễn ra các việc hợp đồng buôn bán. Để làm tin trong giao dịch nợ nần vay mượn cần có nơi thề nguyền, cam kết. Tương truyền có những giao dịch mua chịu, bán chịu cả thuyền hàng lớn.
Quan Thánh Đế Quân ở Hội An được nhân dân sùng bái chính là bậc Thánh không những chứng tri chữ Tín trong làm ăn quan hệ thương mại mà còn trừng phạt kẻ vi phạm điều ước nguyện với nhau
Vì thế Quan Công miếu ở Hội An vừa có ý nghĩa là tòa án kinh tế, là nơi trừng phạt tráo trở, thực hiện luật cân bằng xã hội vừa là nơi độ trì hộ mạng, hộ sinh kế cho mọi người. Việc thờ Quan Thánh có ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian Hội An.
Hình tượng Quan Công đã được Hội An hóa, trở thành tín ngưỡng hết sức quan trọng trong đời sống cộng đồng. Khi con người có niềm tin sẽ có tất cả, niềm tin trong tín ngưỡng còn có tác động duy trì cân bằng hành động hướng đạo của con người để vươn tới Chân, Thiện, Mỹ. Tín ngưỡng này đã được Hội An hóa, trở thành nét văn hóa đặc sắc của người địa phương.
Trong các thời kỳ lịch sử trước, Quan Công miếu do Hội đồng Ngũ Hương Minh Hương xã chăm sóc và lo tế lễ. Từ năm 1997, Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An trực tiếp quản lý và tổ chức các lễ hội.
Du khách đón xem các nghi thức tại lễ vía tổ chức sáng ngày 18.7 tại di tích Quan Công miếu
Ngày nay, tại Hội An, lễ vía Quan Công ở di tích Quan Công miếu tùy từng thời kỳ và điều kiện mà tổ chức lớn hoặc làm nhỏ nhưng luôn luôn được cộng đồng và chính quyền duy trì thực hiện hằng năm.
Lễ vía không chỉ là dịp thể hiện lòng thành kính với bậc thánh nhân trượng nghĩa, mà còn phản ánh sự giao thoa văn hóa của thương cảng quốc tế Hội An xưa; qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng dân gian, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cư dân Đô thị cổ Hội An và du khách tham quan.
KHÁNH CHI