'Lên dây cót' ứng phó với mưa lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ

'Lên dây cót' ứng phó với mưa lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ
6 giờ trướcBài gốc
Tỉnh Hà Tĩnh lên phương án thoát lũ vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Cụ thể, để giảm đến mức thấp nhất tình trạng ngập lụt cho vùng hạ du các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh (hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, thượng Sông Trí, Kim Sơn,…) trong điều kiện thiên tai, mưa lũ diễn biến cực đoan, bất thường, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân; trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các đơn vị liên quan tập trung soát xét, lên phương án xử lý.
Đối với Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý Dự án 6 (Chủ đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị tổ chức kiểm tra, rà soát những vị trí tiêu thoát lũ trên tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng công trình cầu, cống tiêu, hầm. Đặc biệt là tại các vị trí công trình đang thi công chưa hoàn thành, các đoạn tuyến nằm ở hạ du các hồ chứa lớn như: Kẻ Gỗ, Sông Rác, thượng Sông Trí, Kim Sơn.
Đánh giá tổng thể khả năng tiêu thoát của các công trình khi có mưa, lũ lớn xảy ra để có phương án xử lý kịp thời, phù hợp từng khu vực có nguy cơ, tiềm ẩn cản trở dòng chảy thoát lũ và có thể làm gia tăng ngập lụt, chậm lũ. Phối hợp với UBND các huyện liên quan để xây dựng, phê duyệt phương án phòng, chống thiên tai trong quá trình thi công. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để kịp thời xử lý các sự cố (nếu có) nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản khi có thiên tai xảy ra.
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thủy lợi 4 thuộc Bộ NNPTNT (Chủ đầu tư Hợp phần đầu mối hồ Kẻ Gỗ) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh (Chủ đầu tư Hợp phần Hạ du hồ Kẻ Gỗ), tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở các Hợp phần tiếp tục cập nhật thông tin về các công trình, dự án (đặc biệt là dự án đường cao tốc phía hạ du hồ Kẻ Gỗ) đã và đang triển khai trong vùng có liên quan trực tiếp đến dự án, từ ý kiến UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành, cần rà soát, lựa chọn phương án thiết kế phù hợp nhằm giải quyết vấn đề tiêu thoát lũ một cách tổng thể, đảm bảo tính đồng bộ và phát huy cao hiệu quả đầu tư dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao UBND các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh; các Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các Chủ đầu tư tổ chức rà soát, điều chỉnh phương án ứng phó với thiên tai năm 2024 của địa phương, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế hiện nay (tuyến đường cao tốc đã định hình trên thực địa) để chủ động phòng tránh, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn…
Liên quan đến nội dung này, Báo Đại Đoàn Kết đã có loạt bài phản ánh “Công trình đại thủy nông và nỗi lo mùa lũ” (đăng trên các số: 276, 277 và 278). Loạt bài đã nêu lên lo ngại, kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ cũng như điều chỉnh của Chủ đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng.
Ngày 4/10, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Từ loạt bài phản ánh của Báo Đại Đoàn Kết và thực tế tác động của 2 dự án (Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng và Dự án Tăng cường thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ), Sở phối hợp với các đơn vị trực thuộc đang tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh để tham mưu phương án ứng phó với thiên tai.
HẠNH NGUYÊN
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/len-day-cot-ung-pho-voi-mua-lu-ha-du-ho-ke-go-10291694.html