Giá trị khảo cổ ở tầm thế giới
Đầu năm 2025, trong quá trình đào ao thả cá, khi phát hiện thuyền gỗ cổ nằm sâu dưới lòng ao, ông Nguyễn Văn Chiến (50 tuổi, Bắc Ninh) đã giữ nguyên hiện trường và báo với chính quyền. Theo các chuyên gia khảo cổ, vị trí xuất lộ 2 thuyền cổ nằm trên dòng sông Dâu - một nhánh của sông Thiên Đức (sông Đuống) chảy sát bờ phía Tây của thành Luy Lâu. Dù nằm sâu dưới lòng ao nhưng các thuyền được phát hiện vẫn giữ được hình dáng khá nguyên vẹn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả khai quật thuyền cổ. Theo Viện Khảo cổ học, qua khai quật, các chuyên gia xác định thuyền cổ gồm hai khối nguyên vẹn, cách nhau 2,3m và được đấu nối bằng tấm gỗ ở phần đầu. Điều đặc biệt ở chỗ, toàn bộ thuyền được chế tác hoàn toàn bằng gỗ, không sử dụng bất kỳ chi tiết kim loại nào trong cấu trúc hay mối nối.
PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện Khảo cổ học đánh giá thuyền cổ ở Bắc Ninh là con thuyền gỗ có kỹ thuật đóng đặc biệt khác với giai đoạn từ thế kỷ XV trở đi. “Thuyền chế tác bằng những thanh gỗ ghép lại với nhau, dùng đinh gỗ để đóng thuyền chứ không phải dùng đinh sắt. Đinh sắt xuất hiện muộn, từ sau thế kỷ XV trở đi”, theo PGS.TS Bùi Minh Trí.
Sau một thời gian nghiên cứu, có đại biểu cho rằng, niên đại của thuyền cổ Bắc Ninh được xác định trong khoảng thế kỷ thứ IV - VI Sau Công nguyên khá trùng khớp với thời kỳ văn hóa Đông Sơn muộn.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định, dù hiện nay chưa có kết luận tổng thể về 2 con thuyền cổ nhưng theo quan sát cho thấy cấu trúc khác lạ của con thuyền. 2 chiếc thuyền có giá trị khảo cổ độc đáo và rất lớn với không chỉ với ngành khảo cổ học Việt Nam mà còn là ở tầm thế giới.
“Bảo tàng hóa” thuyền cổ
Theo TS. Phạm Văn Triệu, Phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học, người chủ trì công tác khai quật cho rằng, do thuyền ngâm trong nước quá lâu nên gỗ rất mềm, nếu tháo rời từng bộ phận để vận chuyển thì không giữ được hiện trạng.
TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đồng quan điểm nếu tháo dỡ các bộ phận, di chuyển 2 chiếc thuyền về bảo tàng thì khó giữ được hiện trạng và hình dáng ban đầu.
“Nếu không có cách thức bảo tồn phù hợp sẽ khó giữ được hiện trạng, đặc biệt trong điều kiện khí hậu hiện nay, việc bảo tồn gỗ là một bài toán khó. Do đó, bảo tồn tại chỗ hay còn gọi “bảo tàng hóa” là phương án hợp lý nhất”, ông Đoàn nêu ý kiến.
PGS.TS Bùi Minh Trí đề xuất phương án bảo tồn 2 chiếc thuyền cổ tại chỗ theo hai cách. Thứ nhất là lấp khu vực khảo cổ, đóng lại di tích để bảo tồn nguyên trạng dưới lòng đất, tái hiện hình ảnh 3D phía trên, trong khi con thuyền nằm dưới lòng đất. Thứ hai, xây dựng hệ thống bể ngâm 2 con thuyền dưới nước, ứng dụng công nghệ giới thiệu di tích, du khách có thể đến xem trực tiếp.
Căn cứ thực trạng xuất lộ di tích và quan điểm từ Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh kiến nghị UBND tỉnh cho phép thực hiện bảo vệ nguyên trạng di tích tại chỗ.
Để làm được điều này, Sở đề xuất thực hiện phương án tạm thời lấp cát để bảo vệ nguyên trạng di tích sau khi kết thúc công tác nghiên cứu và tư liệu hóa di tích tại hiện trường. Phương án này được thực hiện một cách khoa học, tương tự như đã thực hiện đối với các di sản khảo cổ khác, tiêu biểu nhất là Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long ở Hà Nội.
Với phương án này, sau khi hoàn thành vệ sinh, các chuyên gia sẽ dùng vải địa kỹ thuật - loại vải không dệt che phủ toàn bộ, cố định các vị trí và bộ phận của di tích bằng gỗ, đất, cát. Trong đó, đất, cát được khai quật từ di tích để phủ kín hiện trạng đã xuất lộ, tiếp đó dùng vải bạt che phủ kín toàn bộ khu vực khai quật, thiết lập hàng rào bảo vệ...
Đặc biệt, sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng các phương pháp bảo quản hiện đại để chống lại sự phân hủy của vật liệu gỗ, như xử lý hóa chất bảo quản, kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ… Đồng thời, đề xuất tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục mở thêm các hố khai quật và nghiên cứu thêm các phương án để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích sau khi khai quật xong.
Hiện cơ quan chức năng và các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ đang tiếp tục nghiên cứu sâu, toàn diện và mở rộng để đánh giá thật sâu sắc, nhận diện giá trị của nó, đồng thời đưa ra giải pháp bảo tồn tối ưu nhất. Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh có thể tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đầu ngành về thuyền cổ, lịch sử, văn hóa và các khoa học liên quan nhằm đánh giá giá trị di tích trong không gian rộng hơn, đồng thời tư vấn về giải pháp bảo tồn lâu dài và phát huy giá trị của di tích.
Bảo Châu