Lên thành phố trực thuộc Trung ương, Huế tăng tốc thu hút đầu tư

Lên thành phố trực thuộc Trung ương, Huế tăng tốc thu hút đầu tư
2 giờ trướcBài gốc
Một góc thành phố Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Lê
Về mặt phát triển kinh tế, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ phát triển dựa trên quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2023.
Theo đó, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 4%/năm; công nghiệp xây dựng 10 -11%/năm; dịch vụ 11,5 - 12,5%/năm.
Theo quy hoạch, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đến năm 2030 sẽ xây dựng thêm các đường lăn, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng dân dụng và sân đỗ máy bay đáp ứng công suất khai thác 7 triệu hành khách/năm, 200.000 tấn hàng hóa/năm (hoặc lớn hơn khi có nhu cầu); nâng cấp sân bay đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E, sân bay quân sự cấp I; hình thành cảng cạn ICD kết nối với cảng hàng không, cảng biển. Đến năm 2050, xây dựng thêm đường cất hạ cánh; hạ tầng đồng bộ đạt công suất 12 triệu hành khách/năm.
Ngoài ra, Huế sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vườn Quốc gia Bạch Mã và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch; khu bến Chân Mây đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; khu bến Thuận An đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn; Khu bến Phong Điền đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn.
Trong tiến trình phát triển đô thị, quy hoạch cũng định hướng Vùng Tây Bắc sẽ xây dựng đô thị trung tâm Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía Bắc của tỉnh; Vùng Đông Nam phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía Nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây.
Về vấn đề thu hút đầu tư, thời gian tới, Thừa Thiên Huế tập trung kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực phục vụ công tác xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54. Huế ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ...
Huế cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực nhằm hình thành và phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm logistics; phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghiệp cao; phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan, khu đô thị, hạ tầng cảng biển. Mục tiêu hướng đến là du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Cảng Chân Mây, huyện Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đại Phong
Huế cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư vào 4 vị trí quan trọng, bao gồm khu đô thị mới An Vân Dương, khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, các vùng ven biển và đầm phá trải dài từ huyện Phong Điền đến Phú Lộc, các khu công nghiệp như Phú Bài, Phong Điền, La Sơn, Tứ Hạ, Phú Đa, Quảng Điền.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh, có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Do đó, tỉnh sẽ từng bước khắc phục những khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách sẽ được mở rộng hơn, chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cao hơn; sẽ kêu gọi được những nguồn vốn, dự án nước ngoài theo chương trình phát triển đô thị của Trung ương, của tỉnh để đầu tư kết cấu hạ tầng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư, phát triển và người dân sẽ được hưởng những điều kiện hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn.
Theo nghị quyết của Quốc hội, thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Từ ngày này, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế.
Nhân Tâm
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-hue-tang-toc-thu-hut-dau-tu/