Nhà máy sản xuất linh kiện Hàng không KP Vina, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn KP Aerospace Vietnam (Hàn Quốc) khánh thành tại Đà Nẵng hồi tháng 12 năm ngoái. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Ngày 5/5, Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Vienna (Cộng hòa Áo), đã tham dự và có bài phát biểu tại buổi khai mạc Phiên họp lần thứ 64 của Tiểu ban Pháp lý trực thuộc Ủy ban về Sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ, Cơ quan Liên hợp quốc về các vấn đề vũ trụ (UNOOSA).
Phiên họp có sự tham dự của hơn 100 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực, tổ chức phi chính phủ.
Tiểu ban Pháp lý là bộ phận đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng nền tảng pháp lý quốc tế cho các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ, bảo đảm việc sử dụng khoảng không vũ trụ được thực hiện một cách hòa mình, minh bạch và vì lợi ích của toàn nhân loại.
Phiên họp thường niên của Tiểu ban Pháp lý là diễn đàn để các chuyên gia pháp lý và khoa học đại diện các chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trao đổi về các quy tắc điều chỉnh các hoạt động trong khoảng không vũ trụ trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn và phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng đánh giá cao vai trò và nỗ lực của Tiểu ban Pháp lý trong việc thúc đẩy việc sử dụng khoảng không vũ trụ một cách hòa bình, an toàn và bền vững thông qua việc xây dựng các quy định pháp luật quốc tế.
Với tư cách là quốc gia thành viên tích cực, có trách nhiệm của Liên hợp quốc và Ủy ban về Sử dụng khoảng không vũ trụ, Việt Nam tiếp tục đề cao và cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình theo các hiệp ước quốc tế của Liên hợp quốc về vũ trụ, trong đó có Hiệp ước về Khoảng không vũ trụ và Hiệp định cứu hộ.
Các nhà khoa học quốc tế tham dự một hội thảo về vũ trụ tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) hồi tháng Bảy năm ngoái. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và chính sách quốc gia để hỗ trợ phát triển các hoạt động không gian.
Chiến lược quốc gia của Việt Nam về phát triển công nghệ vũ trụ đến năm 2030 nhấn mạnh việc sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình vì sự phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới công nghệ và giám sát môi trường.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của một nền tảng pháp lý vững chắc để điều chỉnh và tạo điều kiện cho các hoạt động đang phát triển này, Việt Nam đang xây dựng Luật vũ trụ quốc gia nhằm phản ánh toàn diện các cam kết quốc tế và thông lệ tốt nhất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang rất tích cực hợp tác với UNOOSA và các đối tác trong khu vực để chuẩn bị một số hoạt động hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách và tăng cường xây dựng năng lực và hợp tác khu vực trong sử dụng khoảng không vũ trụ một cách hòa bình.
Bên lề phiên họp, Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng đã có cuộc gặp làm việc với Giám đốc UNOOSA, bà Aarti Holla-Mani.
Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng nêu bật những thành tựu công nghệ vũ trụ mới của Việt Nam (phát triển và phóng các vệ tinh quan sát Trái Đất), cảm ơn và đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa UNOOSA và Ủy ban Liên hợp quốc về sử dụng hòa bình không gian vũ trụ (COPUOS) với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Đại học Bách khoa Hà Nội về nâng cao năng lực và đào tạo kỹ thuật, tham gia Chương trình chia sẻ thông tin vệ tinh để quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (UN-SPIDER), Sáng kiến “Tiếp cận Không gian vũ trụ cho tất cả,” góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Giám đốc UNOOSA chúc mừng những thành tựu kinh tế-xã hội nói chung và những bước tiến ấn tượng về công nghệ vũ trụ của Việt Nam, cam kết sẽ cùng các nước đối tác tiếp tục hỗ trợ Việt Nam sử dụng không gian vũ trụ, ứng dụng vệ tinh một cách hòa bình, vì mục tiêu phát triển bền vững thông qua các dự án đào tạo, nâng cao năng lực, thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và bảo vệ môi trường, đô thị thông minh, xây dựng pháp luật./.
(TTXVN/Vietnam+)