Lì xì sai cách dễ khiến trẻ hình thành thói quen xấu

Lì xì sai cách dễ khiến trẻ hình thành thói quen xấu
16 giờ trướcBài gốc
Mỗi dịp Tết đến, trẻ em luôn được nhận nhiều phong bao lì xì từ người lớn. Với những đứa trẻ, phong bao lì xì là món quà tinh thần ý nghĩa, niềm vui đầu xuân năm mới.
Tuy nhiên, hiện nay, tục lì xì ít nhiều đã có những thay đổi. Từ đó, cách nhận và suy nghĩ về lì xì với những đứa trẻ cũng đã khác. Điều này khiến không ít phụ huynh rơi vào tình thế khó xử.
Lì xì những ngày đầu năm mới là nét đẹp văn hóa của người Việt (Ảnh minh họa)
Cha mẹ xấu hổ vì trẻ chê tiền lì xì
Chị Bùi Mỹ Linh (32 tuổi, Vĩnh Phúc) có 2 con nhỏ. Vào mỗi dịp Tết, chị luôn dặn dò các con phải lịch sự và lễ phép khi nhận phong bao lì xì từ người lớn, đặc biệt không được đặt nặng vấn đề nhận lì xì vì đó là món quà may mắn mà người lớn gửi đến con cùng lời chúc cho một năm mới bình an. Thế nhưng, cũng từng có lần chị Linh cảm thấy khó xử và xấu hổ vì các con.
Khi khách đến nhà và đưa phong bao lì xì cho các con chị Linh, lũ trẻ nhanh nhẹn cảm ơn và ngay lập tức xé lì xì xem trong đó có gì. Dù chưa biết mệnh giá tiền nhưng chúng rút tiền ra và vứt lại bao lì xì ngay trước mặt khách. Điều này đã khiến chị Linh và chồng cảm thấy xấu hổ trước mặt khách.
Hay trường hợp của gia đình anh Nguyễn Xuân Hoàng (38 tuổi, Hà Nội) đã tức giận và phạt các con ngay sau khi đi chúc Tết về. Nguồn cơn xuất phát từ việc khi cả nhà đi chúc Tết, hai con nhỏ của anh Hoàng nhận được lì xì từ người lớn đã mở ra và thấy được mệnh giá của đồng tiền, hai con đã phàn nàn với nhau rằng tiền lì xì ít. Điều này khiến gia đình anh cảm thấy vô cùng xấu hổ trước mặt mọi người.
Việc lì xì cho trẻ không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ rất nhiều (Ảnh minh họa)
Lì xì sai cách dễ khiến trẻ hình thành thói quen xấu
Bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách, Trung tâm Tâm lý truyền thông (Hội Tâm lý học Việt Nam) cho biết, những năm gần đây, câu chuyện lì xì đã được nói tới rất nhiều, nhất là sự “biến tướng” qua việc lì xì cho trẻ.
“Nếu như trước kia lì xì là để lấy may, thì nay thông qua việc đó tạo ra định nghĩa vật chất với trẻ con. Có khi chiếc bao lì xì lại là sự trả ơn đối tác, các mối quan hệ trong xã hội”, ông Bách nhận định.
Theo vị chuyên gia này, cách hành xử của người lớn quá nặng về vật chất tiền bạc sẽ làm “hư” trẻ. Điển hình nhất là tính sở hữu, sự chê bai hay so sánh khi không nhận được lì xì theo ý muốn. Điều này đi ngược lại so với sự giáo dục tính cách cho trẻ, khiến đứa trẻ có sự nhận thức lệch lạc về vật chất mà xảy ra câu chuyện so bì. Từ đó, trẻ sẽ coi trọng vật chất, tạo ra tâm lý so sánh, ghen ghét nhất định khi người lớn phân biệt, không công bằng trong cách lì xì.
Một vấn đề nữa bác sĩ Hồng Bách cũng hết sức lo lắng, đó là việc trẻ có tính sở hữu khi tự giữ và tiêu tiền lì xì vào những việc trẻ thích. Điều này cũng đi ngược với quan niệm xưa về việc giữ tiền lì xì.
“Trước đây, tiền lì xì là để lấy may, trẻ sẽ cho vào lợn hoặc ống tre để tiết kiệm, vào thời điểm nhất định mới mang ra dùng dưới sự giám sát của phụ huynh. Giờ đây, bố mẹ cho con toàn quyền giữ tiền sẽ tạo nên tính cách sở hữu từ nhỏ cho trẻ, điều này là không nên”, bác sĩ Bách chia sẻ và cảnh báo rằng, khi đứa trẻ đưa định nghĩa giá trị vật chất lên cao đi theo phương hướng lệch lạc sẽ làm biến đổi tính cách đứa trẻ đó. Đứa trẻ đó sẽ trở nên ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân và hiếu thắng, thậm chí còn sẵn sàng tranh đấu vì lợi ích vật chất đó.
Để tránh tác động của chuyện lì xì lên con trẻ bác sĩ tâm lý Hồng Bách khuyên:
Tránh cho con tiếp xúc với vật chất quá sớm. Thay vì tiền hãy tặng những món quà, ví như sách hoặc đồ chơi.
Với những trẻ lớn, cha mẹ cần định nghĩa giá trị vật chất đúng cho con. Khi cha mẹ không đề cao giá trị vật chất thì con sẽ không có chuyện so bì, ghen tỵ...
Bên cạnh đó, cha mẹ nên giáo dục con cái về ý nghĩa của lì xì Tết, để con hiểu được đó không chỉ là vật chất, mà chứa đựng ý nghĩa, văn hóa lâu đời.
Thúy Ngà
Nguồn Gia Đình VN : https://giadinhonline.vn/li-xi-sai-cach-de-khien-tre-hinh-thanh-thoi-quen-xau-d204327.html