Để bảo vệ quyền lợi chân chính của các nhà giáo, tháng 7.1946, một tổ chức quốc tế của các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp), lấy tên là Liên hiệp quốc tế Các công đoàn giáo dục (Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).
Năm 1949, tại hội nghị ở thủ đô của Ba Lan, tổ chức này xây dựng bản Hiến chương Các nhà giáo gồm 15 chương. Nội dung hiến chương tập trung vào việc đấu tranh chống lại hệ thống giáo dục tư bản, phong kiến; xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà giáo.
Đến tháng 7.1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này.
Tháng 8.1954, tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới nhất trí thông qua bản Hiến chương Các nhà giáo.
Từ ngày 26 - 30.8.1975, tại Warszawa, thủ đô Ba Lan đã diễn ra hội nghị FISE với 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hội nghị quyết định lấy ngày 20.11.1958 là Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Tại Việt Nam, ngày 28.9.1982, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định 167-HĐBT năm 1982 về Ngày Nhà giáo Việt Nam. Theo đó, lấy ngày 20.11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Từ đó, ngày 20.11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam và gắn liền với truyền thống tôn sư trọng đạo của đất nước ta. Năm 2024 là kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024).
Ngày 20.11 hàng năm trở thành ngày lễ tri ân, tôn vinh những nhà giáo, những tấm gương hoạt động giáo dục có đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày này, cả xã hội và các thế hệ học trò thể hiện sự tri ân với thầy cô.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 cũng là dịp để ngành giáo dục nhìn lại và đánh giá hiệu quả của các hoạt động giáo dục và lập phương hướng cho các cải tiến trong dạy và học. Mỗi dịp 20.11 hàng năm, nhiều hoạt động kỉ niệm, tôn vinh, tri ân các thầy cô giáo được tổ chức trang trọng, ý nghĩa trên khắp cả nước, thể hiện ý nghĩa tốt đẹp của ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20.11 hàng năm trở thành ngày lễ tri ân, tôn vinh những nhà giáo có đóng góp cho ngành giáo dục, là dịp để các thế hệ học trò thể hiện sự tri ân với thầy cô (Hình minh họa)
Hiện nay, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, bao gồm cả hai khối công và tư, ở tất cả các cấp học, cả phổ thông, đại học và dạy nghề. Trong đó, có trên 6.000 giáo sư và phó giáo sư, có khoảng gần 60.000 người có trình độ tiến sĩ. Có trên 600 nhà giáo được phong tặng Nhà giáo nhân dân và trên 10.000 Nhà giáo ưu tú.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là sau 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành GD-ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đất nước ta vừa thoát nghèo và còn đang trên đường phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập trung bình cao nhưng về giáo dục và đào tạo, chúng ta đã đạt được những kết quả lớn, trong đó có một vài chỉ số không phải nước phát triển nào cũng đạt được, như tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%.
Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông của chúng ta đứng thứ 53 trên thế giới. Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong top 10 các quốc gia có thành tích các kỳ thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới.
Học sinh sau phổ thông của Việt Nam học tiếp tại các trường đại học nước ngoài thuận lợi và giành được sự đánh giá tốt của các trường đại học trên thế giới. Hiện có gần 7 triệu người đã tốt nghiệp đại học, 24 triệu người đang đi học ở các bậc, các trình độ khác nhau, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục trong cả nước. Việt Nam đã có 4 đại học có mặt trong top 1.000 của bảng xếp quốc tế có uy tín QS. Một số ngành đào tạo có mặt trong nhóm 100 châu Á.
Bộ trưởng khẳng định, có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, cùng sự nỗ lực của các thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên. Đó cũng là nhờ truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tri thức và hiền tài của dân tộc được kế tục và nhân lên trong thời đại mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trước những thách thức mới của giáo dục, với sứ mệnh ngày càng lớn và mới đối với giáo dục, các nhà giáo trong kỷ nguyên mới cũng cần thể hiện bản lĩnh, coi thách thức chính là cơ hội để toàn thể lực lượng nhà giáo phát triển, để từng nhà giáo giỏi hơn. Thách thức lớn càng lớn, nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy để kiến tạo một tầng lớp trí thức mới, một đội ngũ nhà giáo mới.
Những giá trị từ truyền thống như “học không biết chán, dạy không biết mỏi”, tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò,... là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại.
Phẩm chất cũ, kỹ năng mới, tư duy mới, thêm công cụ ngoại ngữ, công cụ số là những điều nhà giáo cần phải nắm chắc. Đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo.
“Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguyễn Liên (tổng hợp)