Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Trị. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị)
50 năm sau ngày giải phóng, Quảng Trị đang bùng lên một sức sống mới, vùng đất giới tuyến nay đã hồi sinh thực sự.
Các chỉ số phát triển kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ngày càng tăng lên, nằm trong tốp đầu các địa phương khu vực Bắc Trung bộ
Sự chuyển mình mạnh mẽ của Quảng Trị đã hòa chung vào sự phát triển đi lên của đất nước.
Quảng Trị hôm nay đang viết tiếp những trang sử vẻ vang trong một tâm thế mới; chặng đường đã qua đầy gian nan, thử thách, nhưng cũng rất đỗi tự hào là hành trang để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị vững bước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
Vị trí địa lý
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung Việt Nam, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc-Nam, nằm cách thủ đô Hà Nội 593 km về phía Nam, cách thành phố Đà Nẵng 178 km về phía Bắc.
Phía bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía nam giáp thành phố Huế, phía tây giáp 2 tỉnh Savannakhet và Salavan của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Đông giáp biển Đông.
Với tọa độ địa lý này, Quảng Trị được tạo nên bởi một không gian lãnh thổ mang sắc thái khí hậu nhiệt đới ẩm, điển hình của vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu và chịu ảnh hưởng rất lớn của biển Đông.
Dãy núi Trường Sơn khu vực thuộc tỉnh Quảng Trị có độ cao trung bình thấp nhất. Là tỉnh có diện tích đất bazan lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ với hơn 15.000ha rải rác nhiều nơi nhưng tập trung chủ yếu ở hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Loại đất này rất thích hợp với trồng các loại cây công nghiệp.
Quảng Trị nằm ở phía Nam của Bắc Trung Bộ, trọn vẹn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu là cận nhiệt đới gió mùa và nhiệt đới gió mùa. Ở vùng này khí hậu khắc nghiệt, chịu hậu quả nặng nề của gió tây nam khô nóng, bão, mưa lớn, khí hậu biến động mạnh, thời tiết diễn biến thất thường, vì vậy trong sản xuất và đời sống người dân gặp không ít khó khăn.
Lịch sử hình thành
Nằm giữa khúc ruột miền Trung, Quảng Trị được cả nước và thế giới biết đến nhiều nhất qua cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954-1975.
Những địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như “Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải” gắn với nổi đau chia cắt đất nước; “Thành Cổ Quảng Trị” gắn với cuộc chiến đấu chống phản công, tái chiếm Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972; cầu treo Bến Tắt, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn… gắn với Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại; địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh gắn với cuộc chiến bảo vệ quê hương…
Thời kỳ dựng nước
Theo ghi chép của các bộ sách thuộc khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn thời Hùng Vương dựng nước, Quảng Trị ngày nay thuộc lãnh địa bộ Việt Thường của Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc
Cuối thế kỷ II, nhân triều đình nhà Hán sụp đổ, Trung Quốc rơi vào tình trạng loạn lạc, cát cứ, một chính quyền bản xứ của quận Nhật Nam và xứ Tượng Lâm đã được hình thành, lập nên vương quốc Lâm Ấp. Lãnh thổ của Lâm Ấp được phỏng đoán tương ứng với vùng từ đèo Hải Vân đến đèo Ngang ngày nay, tức bao gồm cả vùng Quảng Trị.
Thời chia cắt Đàng Trong-Đàng Ngoài
Năm 1558, Nguyễn Hoàng được sai vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng dinh ở Gò Phù Sa xã Ái Tử huyện Vũ Xương. Từ đây vùng đất Thuận Hóa thuộc cương vực Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Quá trình phân tranh Trịnh- Nguyễn suốt trong các thế kỷ XVII-XVIII đã chia cắt khu vực này thành Đàng Trong.
Với yêu cầu nhanh chóng củng cố và mở rộng thế lực, các chúa Nguyễn đã áp dụng những chính sách kinh tế- xã hội tích cực hơn so với tập đoàn phong kiến Đàng Ngoài. Họ cho phép nhiều người nước ngoài nhập cư vào Đàng Trong, đặc biệt là người Hoa sau khi Mãn Thanh thống nhất Trung Quốc (1644).
Hàng loạt điểm tụ cư của người Hoa với lối sống và phương thức làm ăn của họ đã làm phong phú và đa dạng thêm hoạt động văn hóa và kinh tế của Đàng Trong.
Xuất hiện danh xưng Quảng Trị
Năm 1801, sau khi giành lại được chính quyền, Nguyễn Ánh đã lập dinh Quảng Trị bao gồm đất đai các huyện Hải Lăng, Đăng Xương (tên cũ là Vũ Xương), Minh Linh và đạo Cam Lộ mới lập.
Đến năm 1831, Vua Minh Mạng cho lập tỉnh Quảng Trị.
Năm 1806 Quảng Trị trở thành dinh trực lệ thẳng vào Kinh sư Huế. Năm 1822, đặt châu Hướng Hóa lệ vào đạo Cam Lộ. Năm 1827 Quảng Trị đổi là trấn, không còn trực lệ và đặt 9 châu thuộc đạo Cam Lộ.
Năm 1830 giao cho tri phủ Triệu Phong kiêm lý Minh Linh, thống hạt Đăng Xương, Hải Lăng. Năm 1832 trấn Quảng Trị đổi là tỉnh, đạo Cam Lộ đổi là phủ và cho tri phủ ở đây kiêm lý châu Hướng Hóa và thống hạt 9 châu.
Năm 1836, đặt huyện Địa Linh và giao cho phủ Triệu Phong kiêm lý Đăng Xương, thống hạt 3 huyện Địa Linh, Minh Linh, Hải Lăng. Năm 1850 đổi Hướng Hóa thành Thành Hóa. Năm 1853 hợp nhất tỉnh Quảng Trị với phủ Thừa Thiên thành đạo Quảng Trị.
Năm 1876, tỉnh Quảng Trị được tái lập gồm 2 phủ Triệu Phong, Cam Lộ và 4 huyện, trong đó, huyện Đăng Xương đổi là Thuận Xương; huyện Địa Linh đổi là Gio Linh; huyện Minh Linh đổi là Chiêu Linh và huyện Hải Lăng vẫn giữ tên cũ.
Sự kiện thành lập tỉnh Quảng Trị có ý nghĩa lịch sử to lớn, là bước ngoặt trong tiến trình hình thành Quảng Trị, khẳng định vùng đất này đã phát triển và trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền trung ương, sánh ngang với các tỉnh khác trong cả nước.
Quân giải phóng đánh chiếm và làm chủ thị trấn Đông Hà. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Sáp nhập thành Bình Trị
Ngày 3/5/1890, toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp tỉnh Quảng Trị với Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị, dưới quyền của công sứ Đồng Hới. Đến ngày 23/1/1896, toàn quyền Đông Dương lại rút Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền công sứ Đồng Hới; Quảng Trị cùng Thừa Thiên dưới quyền Khâm sứ Trung Kỳ và đặt một phó công sứ đại diện tại Quảng Trị.
Từ năm 1900 đến 1929, tỉnh Quảng Trị được tách ra khỏi Thừa Thiên thành 1 tỉnh riêng biệt.
Ngày 11/3/1914 vua Duy Tân ra đạo dụ và ngày 18/2/1916 được toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y cho phép thị xã Quảng Trị có thu nhập và ngân sách riêng. Ngày 5/9/1929, Khâm sứ Trung Kỳ ra nghị định thành lập thị trấn Đông Hà thuộc phủ Triệu Phong.
Cuộc phân ly đôi bờ Hiền Lương
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các đơn vị hành chính cấp phủ đổi thành cấp huyện, bỏ đơn vị hành chính tổng và lập các xã.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức được ký kết. Theo Hiệp định, sông Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời chia đôi tỉnh Quảng Trị. Đại bộ phận các huyện, thị xã, thị trấn và một số thôn, xã của Vĩnh Linh ở phía Nam giới tuyến thuộc tỉnh Quảng Trị do chính quyền miền Nam quản lý.
Hơn ba phần tư huyện Vĩnh Linh nằm ở phía Bắc giới tuyến do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý và quyết định thành lập đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc trung ương.
Cuộc phân ly hơn 20 năm đôi bờ Hiền Lương, sông Bến Hải như “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau ròng rã chia cắt đất nước. Điều này càng làm cho khát vọng thống nhất non sông, Bắc Nam liền một dải, của cả nước nói chung và Nhân dân Quảng Trị nói riêng càng thêm mãnh liệt hơn lúc nào hết.
Với ý nguyện thống nhất non sông, cùng cả nước, quân và dân Quảng Trị một lòng thủy chung, son sắt với cách mạng, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ của Đảng. Những khẩu hiệu “Tất cả vì Quảng Trị thân yêu!” “Tất cả vì miền Nam ruột thịt!” đã trở thành tâm huyết của mỗi cán bộ, chiến sỹ, nên dù khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh đến mấy cũng quyết đập tan hệ thống phòng ngự “kiên cố nhất Đông Dương,” “pháo đài bất khả xâm phạm” mà Mỹ-Ngụy đã xây dựng trên đất Quảng Trị.
Hàng vạn cán bộ, nhân dân và lực lượng giao thông Trị Thiên mở đường mới phục vụ chiến dịch. (Ảnh: Đỗ Tráng/TTXVN)
Hoàn toàn giải phóng
Chấp hành chủ trương của trung ương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân khắp các địa bàn trong tỉnh ráo riết xây dựng lực lượng cách mạng, ra sức củng cố, xây dựng căn cứ địa và thành lập lực lượng vũ trang.
Đầu năm 1964, quận lỵ Ba Lòng được giải phóng và giữa năm 1964 đến đầu năm 1965, nhân dân từ nông thôn, đồng bằng của Quảng Trị đã nổi dậy giành chính quyền, phá ấp chiến lược, vùng giải phóng của tỉnh dần mở rộng. Đến năm 1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng.
Sáp nhập Bình Trị Thiên
Sau khi thống nhất nước nhà, năm 1976, bốn đơn vị hành chính Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, sáp nhập các huyện (tỉnh Quảng Trị cũ có 4 huyện, thị: Triệu- Hải, Bến- Hải, Hướng- Hóa, thị xã Đông Hà).
Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, đặt tỉnh lỵ tại thị xã Đông Hà. Toàn tỉnh gồm 2 thị xã, 6 huyện với 136 xã, phường, thị trấn.
Với tổng diện tích tự nhiên là 4.746,4 km2 , gồm 10 đơn vị hành chính cấp huyện (8 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã), 125 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 101 xã, 13 phường và 11 thị trấn); dân số khoảng hơn 642.000 người, trong đó có khoảng 14% người dân tộc thiểu số.
Mặc dù trải qua thời gian, với nhiều lần thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính nhưng các địa danh như Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà… vẫn luôn hiện hữu và tạc vào lịch sử một vùng đất anh hùng.
Cụm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải (nhìn từ hướng Bắc-Nam). (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Di tích lịch sử
Tỉnh Quảng Trị có vị trí địa lý đặc biệt, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử quan trọng.
Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải
Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Sơn, thị trấn Cửa Tùng) và huyện Gio Linh (xã Trung Hải), tỉnh Quảng Trị.
Địa danh Hiền Lương-Bến Hải là nơi đã chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền và những sự kiện lịch sử gắn với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ-Ngụy.
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (ngày 20/7/1954), nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc-Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Nhưng với những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch, đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau (1975), với bao xương máu của chiến sỹ, đồng bào đã đổ xuống mới giành được độc lập, thống nhất đất nước.
Trục chính của di tích này nằm xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam mà trung tâm chính là chiếc cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam.
Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972, Thành cổ được cả thế giới biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Di tích Thành cổ Quảng Trị
Thành cổ Quảng Trị có diện tích 25ha, nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, được xây dưới thời Nguyễn (năm 1809 và 1837), gồm hành cung, cột cờ, các cơ quan (Ty phiên, dinh Tuần phủ, Án sát, ngục thất)... và một số công trình phòng thủ (lũy, pháo đài, tường bắn, đường phòng hộ, hào thành...). Sau đó, người Pháp xây dựng thêm đồn cảnh sát, nhà tù, nơi chỉ huy các binh chủng, bưu điện, trạm xá, kho gạo…
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (28/6/1972 – 16/9/1972) là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Cuộc chiến đấu đã góp phần quan trọng đánh bại những cố gắng cao nhất của Mỹ-Ngụy, tác động trực tiếp đến Hội nghị Paris.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, những hy sinh của quân và dân ta trong 81 ngày đêm ấy, cùng với những chiến công khác trong năm 1972 đã phần nào được hiện thực hóa trong Hiệp định.
(Vietnam+)