Lịch sử và ý nghĩa Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Lịch sử và ý nghĩa Ngày hội Quốc phòng toàn dân
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 22/12 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với nhiều hoạt động phong phú. Trong ảnh: Tặng quà cho gia đình chính sách hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: XUÂN HIẾU
Ngày 22/12/1989, lần đầu Ngày hội Quốc phòng toàn dân (QPTD) được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội.
Vì dân, do dân, của dân
QPTD là nền quốc phòng mang tính chất “vì dân, do dân, của dân”, phát triển theo phương hướng: toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, do Nhân dân làm chủ, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc và phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định, xây dựng nền QPTD vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó LLVT nhân dân là nòng cốt. Nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ và mang bản chất của chế độ XHCN.
Việt Nam xây dựng sức mạnh quân sự, quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và trế trận QPTD với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Đảng, Nhà nước ta chủ trương phát triển KT-XH gắn với tăng cường khả năng QP-AN, phối hợp chặt chẽ hoạt động QP-AN với hoạt động đối ngoại thành một thể thống nhất để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là các cuộc khởi nghĩa, các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc do Nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bất kỳ giai đoạn nào, phải đương đầu với kẻ thù hung bạo đến đâu, nếu cổ vũ, động viên, quy tụ được sức mạnh toàn dân thì dân tộc ta đều giành thắng lợi vĩ đại, bảo đảm sự bền vững của độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Hát múa chào mừng Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Ảnh: XUÂN HIẾU
Ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước
Lấy ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12 là Ngày hội QPTD là sự kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc giữ nước của dân tộc ta qua các giai đoạn lịch sử; là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước; tiếp tục khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó LLVT nhân dân làm nòng cốt. Đây thực sự là ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.
Ngày hội QPTD là dịp để tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH; từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong tham gia xây dựng nền QPTD vững mạnh gắn với thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cổ vũ, động viên toàn dân chăm lo xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh trên từng địa phương, xây dựng QĐND Việt Nam hùng mạnh trong tình hình mới.
Hằng năm, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã có rất nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo để tổ chức kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và Ngày hội QPTD, như: Mít tinh, hội thảo, hội nghị đoàn kết quân - dân, ngày hội văn hóa quân - dân; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng; tổ chức gặp mặt, giao lưu, nói chuyện truyền thống, thăm hỏi động viên các CCB, cựu TNXP, các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; giao lưu văn hóa văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao, hội thao quân sự trong LLVT nhân dân; xây dựng nhà Tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết tặng các đối tượng chính sách; tham gia xây dựng, tu sửa, tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ; tổ chức dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ…
Các cấp, ngành, cấp ủy và chính quyền các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, gắn với xây dựng và phát triển tiềm lực QP-AN qua các chương trình, các dự án phát triển KT-XH ở địa phương; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng và củng cố quốc phòng, xây dựng thế trận QPTD, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh.
Thông qua đó, “thế trận lòng dân” ngày càng được củng cố vững chắc, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, TTATXH để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Tiềm lực QP-AN được tăng cường; thế trận lòng dân được chú trọng; thế trận QPTD và thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, được củng cố vững chắc”.
Những thành tựu cơ bản qua 35 năm thực hiện Ngày hội QPTD
1- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp củng cố QP-AN, bảo vệ Tổ quốc.
2- Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng XHCN, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh cho sự nghiệp phát triển đất nước; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
3- Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc được tăng cường, tăng thêm khả năng ngăn chặn, loại trừ nguy cơ chiến tranh và khả năng đối phó thắng lợi các tình huống chiến tranh, các tình huống về QP-AN của đất nước.
4- Xây dựng thế trận chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp với điều kiện mới; thế trận QPTD, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc được triển khai đồng bộ, rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn; “thế trận lòng dân” được củng cố vững chắc.
5- LLVT mà nòng cốt là QĐND có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, giữ vững và phát huy được vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
LẠC HỒNG (tổng hợp)
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/349/323834/lich-su-va-y-nghia-ngay-hoi-quoc-phong-toan-dan.html