Người tị nạn Rohingya ở chợ trong một trại tị nạn.
Điều này nằm trong kế hoạch ứng phó chung 2025 – 2026 cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya của LHQ với các thành viên giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bất ổn.
Trong một tuyên bố, LHQ cho biết, họ cần 934,5 triệu USD trong năm 2025 để hỗ trợ cho 1,48 triệu người bao gồm người tị nạn Rohingya.
Khoảng 1 triệu người thuộc nhóm thiểu số, chủ yếu là người Hồi giáo sống trong các trại tị nạn tồi tàn ở Bangladesh. Phần lớn trong số họ đã chạy trốn khỏi cuộc đàn áp quân sự năm 2017 ở Myanmar láng giềng.
"Trong năm thứ tám, cuộc khủng hoảng nhân đạo Rohingya vẫn hầu như không được quốc tế chú ý, nhưng nhu cầu vẫn cấp bách", tuyên bố cho biết.
Tuyên bố còn nhấn mạnh, "bất kỳ sự thiếu hụt tài chính nào trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả việc cắt giảm hỗ trợ lương thực, nơi trú ẩn cơ bản, sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp cho nhóm dân số dễ bị tổn thương này. Điều này khiến nhiều người tuyệt vọng, đánh đổi mạng sống tìm kiếm sự an toàn".
LHQ cho biết, hơn một nửa người tị nạn trong các trại là phụ nữ và bé gái, "những người phải đối mặt với nguy cơ bạo lực, cưỡng bức. 1/3 trong số họ có độ tuổi từ 10 đến 24, cảnh báo rằng "nếu không được tiếp cận với giáo dục chính quy, xây dựng kỹ năng đầy đủ và các cơ hội tự lực, tương lai của họ sẽ bị trì hoãn. Cho đến khi tình hình ở bang Rakhine của Myanmar trở nên hòa bình và thuận lợi cho việc trở về an toàn, cộng đồng quốc tế vẫn phải tiếp tục hỗ trợ cho những người tị nạn trong các trại.
NINH CHINH (THEO FRANCE 24)