Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024: Đậm màu sắc truyền thống

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024: Đậm màu sắc truyền thống
6 giờ trướcBài gốc
Điểm son của các đoàn nghệ thuật xã hội hóa
Đến với liên hoan, các đơn vị công lập và xã hội hóa của TPHCM giới thiệu 12 vở diễn, chiếm hơn 1/3 tổng số vở diễn tham gia. Trong số đó, có đến 9 vở là của các đơn vị xã hội hóa. Không chỉ dẫn đầu về số lượng, các vở diễn này còn ghi dấu ấn với sự đầu tư, dàn dựng công phu, hoành tráng, đội ngũ diễn viên hùng hậu, nhiều thế hệ, được đánh giá có tay nghề chuyên môn cao.
Một cảnh trong vở cải lương Chất ngọc - Cầm Thi Giang của Nhà hát Tây Đô, TP Cần Thơ
Nhiều vở có mức đầu tư rất cao so với mặt bằng chung sân khấu cải lương hiện nay, thấp nhất khoảng 400 triệu đồng, vở cao nhất có mức đầu tư trên 700 triệu đồng. Có thể điểm danh như các vở: Người ven đô (Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt), Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (Công ty TNHH Giải trí We), Lưu vong - Khí tiết một trung thần (Công ty TNHH Hồng Lạc Xuân), Chói rạng sơn hà - Tây Sơn nữ tướng (Sân khấu Sen Việt), Hào kiệt Lam Sơn (Công ty TNHH và Tổ chức biểu diễn Thiên Long), Truyền tích Cổ Loa xưa (Công ty TNHH Tổ chức sự kiện và đào tạo năng khiếu Bảo Sơn)…
Với sự chỉn chu và đầu tư nghiêm túc, các vở diễn đều nhận được đánh giá cao, mang đến những sắc màu tươi mới, sinh động và đặc sắc cho không khí thi diễn của liên hoan. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, tác phẩm của các đoàn xã hội hóa thường tập trung vào khắc họa diễn biến tâm lý nhân vật, đẩy nhanh các cao trào kịch tính, phối hợp với việc chăm chút, tỉ mỉ dàn dựng cho từng cảnh diễn nhằm tạo nên hiệu ứng nghe - nhìn đậm chất nghệ thuật và chất giải trí dành cho khán giả. Có một chi tiết đặc biệt là các đoàn xã hội hóa thường sử dụng dàn diễn viên có kinh nghiệm diễn lâu năm nên khi gặp phải các sự cố về kỹ thuật, âm thanh... các nghệ sĩ đều có cách xử lý khéo léo, giữ được đường dây tâm lý, tránh gây hụt hẫng cho khán giả.
Về phía các đơn vị công lập lại có sự phân hóa khá cao, một số đơn vị đưa đến liên hoan những tác phẩm sân khấu có giá trị nghệ thuật cao, chất sáng tạo mới lạ, như: Chất ngọc - Cầm Thi Giang (Nhà hát Tây Đô, TP Cần Thơ), Người con của rừng tràm (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An), Chân mệnh (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long), Ánh nhật nguyệt và đồng chí (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai), Muôn dặm vì chồng (Nhà hát cải lương Hà Nội)... Tuy nhiên, một số đoàn vì nhiều nguyên nhân, đã mang đến liên hoan những vở diễn thiếu sự đầu tư cả về nội dung, nghệ thuật cũng như khâu dàn dựng quá cũ… đã khiến không khí liên hoan không ít lần trầm xuống.
Dấu ấn của các đạo diễn
Tại liên hoan, dễ thấy sự xuất hiện khá nhiều lần những đạo diễn tên tuổi trong làng sân khấu như: NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSND Triệu Trung Kiên; NSƯT Hoa Hạ, NSƯT Lê Nguyên Đạt… đã đóng góp cho liên hoan những phong cách dàn dựng sân khấu cải lương độc đáo, tạo nên sự cuốn hút cho từng vở diễn tham gia năm nay. Có thể kể đến một số vở cải lương: Đời hoa Rumdul (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang), San hô đỏ (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Sáng mãi vầng nhật nguyệt (Nhà hát Cao Văn Lầu - Bạc Liêu), Muôn dặm vì chồng (Nhà hát cải lương Hà Nội), Người con của rừng tràm (Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An), Khúc tráng ca thành Gia Định (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Người ven đô (Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt)…
Bên cạnh đó, lớp đạo diễn kế thừa như NSƯT Lê Trung Thảo, Điền Trung, Nguyễn Thanh Bình, Dương Khôn… cũng rất nỗ lực, thể hiện tài năng dàn dựng không ít vở thi diễn tại liên hoan; trước hết là để thử sức, luyện tay nghề, trình diễn khả năng, bản lĩnh trong công tác dàn dựng kịch bản sân khấu, sau là học hỏi kinh nghiệm và tích lũy thêm kiến thức chuyên môn.
NSƯT Lê Trung Thảo, tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn nhân vật Lê Quýnh trong vở Lưu vong - Khí tiết một trung thần, chia sẻ: “Khi bắt tay viết kịch bản, dù mong muốn thể hiện góc nhìn mới về lịch sử, nhân vật lịch sử, nhưng tôi luôn giữ vững quan điểm bám sát lịch sử để gửi đến người xem những thông điệp, sự kiện lịch sử chính xác nhất. Tôi rất vui khi thấy tại liên hoan còn có nhiều đạo diễn, diễn viên trẻ… tất cả cùng nỗ lực, vừa để thể hiện mình, vừa nhân cơ hội học nghề từ thầy cô, các anh chị đi trước”.
Có thể nói, mỗi vở diễn với những màu sắc thể hiện riêng biệt đã mang đến cho khán giả yêu cải lương những giờ phút thưởng thức nghệ thuật mang đậm sắc màu truyền thống, ngợi ca và tôn vinh nghệ thuật sân khấu cải lương dân tộc trong thời đại mới.
THÚY BÌNH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/lien-hoan-cai-luong-toan-quoc-2024-dam-mau-sac-truyen-thong-post768393.html