Liên hoan Sân khấu TPHCM lần 1 năm 2024: Những sắc màu của cảm xúc

Liên hoan Sân khấu TPHCM lần 1 năm 2024: Những sắc màu của cảm xúc
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều tác phẩm chất lượng
Một trong những điểm đặc biệt của Liên hoan Sân khấu TPHCM lần 1 năm 2024 (Liên hoan) là các đoàn sẽ không biểu diễn tập trung tại một vài sân khấu như các hội diễn, liên hoan khác. Thay vào đó, hội đồng nghệ thuật sẽ đến từng sân khấu của các đoàn để xem và đánh giá. Điều này giúp các đoàn có nhiều thuận lợi hơn khi được diễn trên “sân nhà”, nơi có hệ thống cảnh trí, âm thanh, ánh sáng và nhất là không gian quen thuộc. Công tác tổ chức, dàn dựng, biểu diễn cũng không bị cập rập, áp lực.
Chất lượng nghệ thuật các vở diễn cũng được đánh giá cao, được đầu tư công phu cả về nội dung kịch bản cũng như kỹ năng dàn dựng, diễn xuất. Nổi bật nhất có thể kể đến những vở kịch đề tài lịch sử, truyền thống cách mạng, như: Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử của Nhà hát kịch Idecaf; Đồng chí của Hội Sân khấu TPHCM; Khát vọng hòa bình của Nhà hát Kịch TPHCM; Cánh đồng rực lửa của Sân khấu kịch Quốc Thảo; Ngày ấy Cổng Trời của Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi; Những cánh hoa trinh trắng của Công ty TNHH Truyền thông và giải trí Ấn Tượng Mới...
NSƯT Hữu Châu và các diễn viên trẻ sân khấu kịch Thiên Đăng trong vở “Giáng Hương”. Ảnh: THÚY BÌNH
Dòng kịch mang tính văn học nghệ thuật cách điệu cao, hấp dẫn khán giả bằng tài năng diễn xuất của nghệ sĩ cũng tạo được sức hút lớn ở Liên hoan. Nổi bật có hai vở là Cơn mê cuối cùng của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh và Giáng Hương của Sân khấu kịch Thiên Đăng. Tài năng diễn xuất của các NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Thành Hội, Tuyết Thu, các nghệ sĩ Ái Như, Lê Khánh, Tuấn Khải, Trí Quang... đã giúp hai vở diễn chiếm trọn tình yêu sân khấu của khán giả.
Không chỉ có những vở kịch lịch sử, nghệ thuật, tại liên hoan còn có dòng kịch giải trí, thể hiện sự đa dạng của sân khấu TPHCM, như: Má ơi! Út dìa của Nhà hát kịch Idecaf, Đêm vượn hú và Bến lửa lòng của Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ 5B, Đứt dây tơ chùng và Bông cánh cò của Sân khấu kịch Hồng Vân, Lỡ nhớ lầm thương và Ông già đoàn lô tô của Công ty CP Dịch vụ Truyền thông Quảng cáo Sài Gòn Phẳng...
Được đánh giá là một vở độc đáo tại Liên hoan lần này, Cù lao dậy sóng của đạo diễn trẻ Tuyết Mai (cảm tác từ truyện ngắn Đau gì như thể của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), đã thu hút khán giả với câu chuyện kịch đậm chất nhân sinh, thể hiện thật đẹp nét chất phác thân thương, lối sống nghĩa tình của người dân miền Tây Nam bộ.
Nâng tầm giá trị, phát huy tính chuyên nghiệp
Tuy nhiên, tại Liên hoan cũng đã cho thấy đời sống sân khấu kịch thành phố không chỉ toàn màu hồng. Việc xuất hiện và tham gia thi diễn của một vài vở chất lượng kém cũng phản ánh phần nào sự thiếu nghiêm túc trong việc đầu tư của một số đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực sân khấu.
Ngay trong thời gian Liên hoan diễn ra, Hội đồng Nghệ thuật của Sở VH-TT TPHCM đã phải tổ chức phúc khảo lại đến 2 lần một số vở dự thi do có chất lượng yếu kém, từ kịch bản non nớt, sơ sài cho đến đội ngũ diễn viên không chuyên, không xứng tầm một liên hoan chuyên nghiệp…
Đặc biệt, xuất hiện tình trạng dù đầu tư kém, biên kịch, đạo diễn, diễn viên đều yếu về chuyên môn nhưng có đoàn chọn thể hiện các vở diễn “nặng ký” (về các anh hùng dân tộc, các nhân vật lịch sử lớn..). Đến mức Hội đồng Thẩm định nghệ thuật phải “khuyên” không nên tham gia Liên hoan để tránh gây phản cảm.
Đánh giá về vấn đề này, NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: “Sân khấu của chúng ta phải là sân khấu của cuộc đời, không đơn giản là kỹ thuật, hay nghệ thuật, mà nó phải mang hơi thở cuộc sống, phản ánh được những góc nhìn sâu sắc, tinh tế, nhân văn, về quá khứ, hiện tại và hướng đến tương lai. Vậy nên, ngoài tấm lòng, tình yêu nghề, niềm đam mê nghệ thuật, người làm sân khấu phải mang được những kỹ thuật, chuyên môn, tài năng, phong cách, tính chuyên nghiệp... để thể hiện, trình diễn, mang đến cho khán giả những gì tốt đẹp nhất của nghệ thuật sân khấu, thể hiện sức sống của sân khấu TPHCM hiện nay”.
Tối 29-11, lễ tổng kết Liên hoan Sân khấu TPHCM lần 1 năm 2024 chủ đề Khát vọng Phương Nam sẽ diễn ra tại Nhà hát TPHCM. Ban tổ chức sẽ trao bằng chứng nhận kèm tiền thưởng cho các vở diễn, diễn viên đạt các huy chương; giải thưởng cho các hạng mục sáng tạo.
THÚY BÌNH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/lien-hoan-san-khau-tphcm-lan-1-nam-2024-nhung-sac-mau-cua-cam-xuc-post770039.html