Chúng xây dựng mạng lưới từ Ireland đến Mexico và tạo ra làn sóng tràn lan trên toàn cầu có khả năng không thể đảo ngược, theo Liên Hợp Quốc.
Mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia đang thâm nhập và mở rộng tại các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là ở Thái Bình Dương, châu Phi, Nam Mỹ và Nam Á, theo báo cáo được Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) công bố hôm 21.4.
Báo cáo của UNODC cho biết những tổ chức tội phạm mạng này sử dụng lao động bị buôn bán từ hàng chục quốc gia và chủ yếu đặt cơ sở tại Myanmar, Campuchia, Lào.
Các tổ chức ngày càng lớn mạnh do sự nổi lên của những thị trường trực tuyến phi pháp mới, với nền tảng tích hợp tiền điện tử được dùng để rửa tiền và kết nối kẻ phạm tội trên toàn cầu, theo UNODC. Cơ quan của Liên Hợp Quốc lưu ý rằng hiện có “hàng trăm hoạt động lừa đảo quy mô lớn, mang về hàng chục tỉ USD lợi nhuận mỗi năm, theo ước tính thận trọng”.
Những tháng gần đây, Trung Quốc cùng Thái Lan và Myanmar đã dẫn đầu một số chiến dịch trấn áp tại các khu vực vô luật pháp trên biên giới Thái Lan - Myanmar. Trong đó, Thái Lan đã cắt điện, nhiên liệu và internet đến các khu vực chứa các tổ hợp lừa đảo.
Tuy nhiên, các tổ chức tội phạm đã thích nghi bằng cách chuyển hoạt động đến “những khu vực xa xôi, dễ bị tổn thương và ít được chuẩn bị nhất ở Đông Nam Á”, đặc biệt tại Lào, Myanmar và Campuchia cũng như cả ra ngoài khu vực, hay chuyển sang hoạt động trên các nền tảng trực tuyến, UNODC cho biết.
“Một sự thích nghi khác được ghi nhận trong khu vực là sự chuyển đổi từ kết nối internet qua cáp trên đất liền đất sang Starlink”, báo cáo nêu, đề cập đến dịch vụ internet vệ tinh của SpaceX. Điều này đôi khi xảy ra khi kẻ lừa đảo chuyển đến khu vực không có internet, hoặc do các chính phủ ngắt kết nối internet xuyên biên giới trái phép.
“Việc các mạng lưới tội phạm tinh vi lan rộng ở những khu vực có nền quản trị yếu kém đã thu hút thêm nhiều đối tượng mới, thúc đẩy tham nhũng và cho phép ngành này tiếp tục mở rộng quy mô”, trích báo cáo của UNODC. Hiệu ứng lan tỏa đó khiến các nhóm tội phạm “có thể tự do lựa chọn, chuyển đổi khu vực hoạt động và tài sản theo nhu cầu, trong khi tình hình ngày càng vượt ngoài khả năng kiểm soát của các chính phủ”, theo UNODC.
Các tổ chức tội phạm mạng ở Đông Nam Á đang mở rộng hoạt động ra toàn cầu bất chấp một số chiến dịch trấn áp - Ảnh: Bloomberg
Ông John Wojcik, nhà phân tích khu vực của UNODC, nhận định: “Vấn nạn lừa đảo mạng trong khu vực đã vượt qua các loại tội phạm xuyên quốc gia khác, do dễ mở rộng quy mô và tiếp cận hàng triệu nạn nhân tiềm năng qua mạng, mà không cần vận chuyển hay buôn lậu hàng hóa trái phép qua biên giới”.
UNODC ước tính các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đã thiệt hại tới 37 tỉ USD vì lừa đảo qua mạng trong năm 2023. Chỉ riêng Mỹ đã ghi nhận thiệt hại hơn 5,6 tỉ USD do các vụ lừa đảo bằng tiền điện tử vào năm 2023, trong đó có hơn 4 triệu USD từ các chiêu trò pig butchering (lừa tình nhằm moi tiền từ người già và những người dễ bị tổn thương).
Pig butchering là hình thức lừa đảo tinh vi qua mạng, trong đó kẻ gian đầu tư thời gian và công sức để gây dựng lòng tin, tình cảm hoặc mối quan hệ với nạn nhân, thường thông qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò hoặc tin nhắn riêng tư.
Sau khi khiến nạn nhân tin tưởng, yêu mến hoặc phụ thuộc cảm xúc, kẻ lừa đảo thuyết phục họ đầu tư tiền vào những dự án như giao dịch tiền điện tử, chứng khoán hoặc nền tảng tài chính “ảo” do chính chúng lập ra.
Cuối cùng, nếu nạn nhân bỏ ra khoản tiền lớn, kẻ lừa đảo sẽ biến mất cùng toàn bộ số tiền.
"Ngã rẽ quyết định"
Các tổ chức tội phạm mạng ở Đông Nam Á đang tích cực tăng cường hợp tác với những mạng lưới tội phạm lớn khác trên thế giới, gồm cả các băng đảng ma túy Nam Mỹ, mafia Ý và băng nhóm Ireland, theo Liên Hợp Quốc. Báo cáo của UNODC dẫn ví dụ về một mạng lưới ở Trung Quốc giúp các băng đảng ma túy Mexico rửa tiền và sau đó bán lại ngoại tệ cho các khách hàng nước ngoài trong các thị trường ngân hàng ngầm.
Để mở rộng hoạt động, các tổ chức này cần hàng trăm ngàn nạn nhân bị buôn người và những cá nhân đồng lõa làm việc trong các khu phức hợp lừa đảo. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, nạn nhân đến từ ít nhất 56 quốc gia, phần lớn là từ châu Á và châu Phi.
Các tổ chức tội phạm mạng ngày càng thiết lập cơ sở hoạt động ở châu Phi, gồm Zambia, Angola và Namibia, cũng như ở Đông Âu như Georgia, UNODC cho hay.
Những băng nhóm này cũng nhanh chóng đa dạng hóa lực lượng lao động, tuyển dụng người từ hàng chục quốc tịch, phản ánh quy mô lừa đảo toàn cầu và nỗ lực né tránh chiến dịch chống buôn người.
Công dân từ hơn 50 quốc gia, từ Brazil đến Nigeria, Sri Lanka và Uzbekistan, đã được giải cứu trong các cuộc truy quét gần đây tại biên giới Thái Lan - Myanmar.
UNODC cảnh báo: “Cộng đồng quốc tế đang ở một ngã rẽ quyết định”, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Nếu không giải quyết vấn đề này, Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với những hậu quả chưa từng có và lan rộng ra toàn cầu”.
Liên Hợp Quốc: Telegram chứa thị trường ngầm cho các băng nhóm tội phạm hùng mạnh ở Đông Nam Á
Các mạng lưới tội phạm hùng mạnh ở Đông Nam Á sử dụng Telegram rộng rãi. Ứng dụng nhắn tin mã hóa này đã tạo ra sự thay đổi cơ bản trong cách thức tội phạm có tổ chức thể tiến hành hoạt động bất hợp pháp trên quy mô lớn, Liên Hợp Quốc cho biết trong một báo cáo hồi tháng 10.2024.
Dữ liệu bị hack bao gồm chi tiết thẻ tín dụng, mật khẩu và lịch sử trình duyệt đang được giao dịch công khai quy mô lớn trên ứng dụng Telegram, nơi có các kênh rộng lớn với ít sự kiểm duyệt, theo báo cáo của UNODC.
UNODC cho biết các công cụ được tội phạm mạng sử dụng, gồm cả phần mềm deepfake được thiết kế để gian lận, cùng phần mềm độc hại đánh cắp dữ liệu được bán rộng rãi trên Telegram, trong khi những sàn giao dịch tiền điện tử không có giấy phép cung cấp dịch vụ rửa tiền.
"Có bằng chứng rõ ràng về việc các thị trường dữ liệu ngầm chuyển sang Telegram và những nhà cung cấp tích cực tìm cách nhắm mục tiêu vào các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đặt cơ sở tại Đông Nam Á", trích báo cáo của UNODC.
Đông Nam Á đã nổi lên như một trung tâm lớn cho một ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ USD nhắm vào các nạn nhân trên toàn thế giới bằng các chương trình lừa đảo. Nhiều tổ chức này là các băng đảng Trung Quốc hoạt động trong các khu phức hợp kiên cố, với nhân viên là những người lao động bị buôn bán. UNODC cho biết ngành công nghiệp này tạo ra từ 27,4 tỉ USD đến 36,5 tỉ USD hàng năm.
Benedikt Hofmann, Phó đại diện của UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nói Telegram là một môi trường giúp tội phạm dễ dàng hoạt động.
"Với người tiêu dùng, điều này có nghĩa là dữ liệu của họ có nguy cơ cao hơn bao giờ hết bị sử dụng vào các trò lừa đảo hoặc hoạt động tội phạm khác", Benedikt Hofmann nói với Reuters.
Báo cáo từ UNODC cho biết quy mô lợi nhuận khổng lồ mà các nhóm tội phạm trong khu vực Đông Nam Á kiếm được đã yêu cầu chúng phải đổi mới. Theo UNODC, chúng đã tích hợp các mô hình kinh doanh và công nghệ mới gồm phần mềm độc hại, trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, deepfake vào hoạt động của mình.
Sơn Vân