Người dân Palestine chờ nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia ở phía Bắc Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Liên hợp quốc ngày 4/12 kêu gọi các nước giàu viện trợ 47 tỷ USD trong năm 2025 để giúp đỡ khoảng 190 triệu người đang phải di tản do xung đột và chống chọi nạn đói.
Theo người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc, Tom Fletcher, thế giới đang đối mặt với “mức độ khó khăn chưa từng có” và Liên hợp quốc hy vọng sẽ có thể giúp đỡ được người dân ở 32 nước khác nhau trong năm 2025, bao gồm cả những người nghèo ở Sudanm, Syria, Gaza và Ukraine.
Lời kêu gọi cho năm sau được đưa ra vào thời điểm mà lời kêu gọi viện trợ cho năm 2024 vẫn chưa đạt được một nửa mục tiêu đề ra và có nhiều ý kiến lo ngại rằng các nước giàu sẽ cắt giảm viện trợ trong thời gian tới.
Đây vẫn là lời kêu gọi lớn thứ tư trong lịch sử của OCHA. Tuy nhiên, ông Fletcher cho biết có khoảng 115 triệu người sẽ không được nhận hỗ trợ do thiếu kinh phí.
OCHA cho biết các nhân viên cứu trợ đã phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, cắt giảm viện trợ lương thực tới 80% ở Syria và các dịch vụ cấp nước ở Yemen, nơi đang bị dịch tả hoành hành.
Liên hợp quốc đã cắt giảm lời kêu gọi viện trợ cho năm 2024 xuống còn 46 tỷ USD từ mức 56 tỷ USD của năm 2023, do “sự giảm sút lòng hảo tâm của các nhà tài trợ.”
Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tổng số tiền tài trợ đạt được cho năm nay mới chỉ hoàn thành được 43%, một trong những tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử. Trong đó, Mỹ đã đóng góp hơn 10 tỷ USD, khoảng một nửa số tiền viện trợ mà Liên hợp quốc kêu gọi.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên, ông Donald Trump đã tạm dừng một số khoản chi tiêu dành cho Liên hợp quốc, nhưng vẫn giữ nguyên ngân sách viện trợ cho cơ quan này.
Trong nhiệm kỳ sắp tới, các quan chức viện trợ và các nhà ngoại giao lo ngại khả năng Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ cắt giảm ngân sách viện trợ dành cho Liên hợp quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)